Cần dành dư địa cho thế hệ tương lai

Thứ tư, 09/05/2018 11:37

“Một lối sống văn minh nhất thiết phải có nhận thức hãy để dành cho thế hệ mai sau. Khi chúng ta chưa có một cách làm hay, một giải pháp bền vững, con cháu chúng ta sẽ làm tốt hơn chúng ta rất nhiều”. Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng đã chia sẻ với chúng tôi như vậy xung quanh câu chuyện đô thị hóa quá “nóng” của Đà Nẵng đang khiến TP mất đi những không gian ký ức.

Ông Tô Văn Hùng 

P.V: Đà Nẵng là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và “nóng”, đặc biệt khu vực vùng ven như Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Quý, Hòa Nhơn… mà nhiều người gọi là “bão vành đai”. Quá trình này bên cạnh thay đổi về mặt hạ tầng đô thị song cũng để lại nhiều hệ lụy, từ góc độ văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh, an ninh trật tự... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Tô Văn Hùng: Trước hết, cần phải hiểu đô thị hóa là một quá trình biến một vùng dân cư vốn không có lối sống đô thị thành một vùng dân cư có thuộc tính của xã hội đô thị. Đô thị hóa còn là quá trình biến đổi về văn hóa ứng xử, theo đó văn hóa và cách ứng xử đô thị dần bao trùm lên và làm tan biến dần văn hóa truyền thống của xã hội nông nghiệp. Giai đoạn từ năm 2003 đến nay, quá trình biến đổi vùng nông thôn ngoại thành Đà Nẵng diễn ra mạnh mẽ. Đây cũng là quy luật tất yếu, nó đã làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội đặc biệt là những làng xã như Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Quý, Hòa Nhơn..., vùng trực tiếp chịu tác động của quá trình này. Quá trình biến đổi trong quá trình đô thị hóa diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng, dân số, nghề nghiệp, thu nhập, nhà ở,... từ đời sống văn hóa vật chất, đến đời sống văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như chúng ta chỉ quan tâm đến sự biến đổi của không gian vật chất một cách áp đặt hình thức không gian kiểu đô thị thông qua các dự án tái định cư và kết quả đã hình thành một lối sống pha trộn chứa nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ. Do vậy, tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy từ góc độ văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh, an ninh trật tự...

P.V: Có thời kỳ Đà Nẵng là điển hình trong công tác giải tỏa đền bù với chính sách đền bù bằng đất tái định cư. Tuy nhiên phương thức đền bù này còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay không? Đất trống trong những khu TĐC rất lớn, hạ tầng xuống cấp, thiếu khớp nối, lãng phí nguồn lực đầu tư và cả hiệu quả sử dụng đất... Theo ông giải pháp cho vấn đề này thế nào?

Ông Tô Văn Hùng: Một trong những chính sách mang đến thành công cho công cuộc tái thiết đô thị của Đà Nẵng phải kể đến chính là chính sách giải tỏa đền bù, thành phố đã giải tỏa hơn 110 ngàn hộ dân,  bố trí tái định cư hơn 18 ngàn lô đất. Đây là một kết quả rất đáng được ghi nhận, thể hiện sự đúng đắn của chủ trương cũng như những lợi ích to lớn mà chủ trương này mang lại. Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng hình thức đền bù giải tỏa theo phương thức đất đổi đất bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như tổng số đất tái định cư hiện thành phố chưa khai thác trên 15 ngàn lô rải rác khắp thành phố, trong khi đó tại địa bàn xã Hòa Liên huyện Hòa Vang lại thiếu đến hơn 1.400 lô đất để phục vụ tái định cư. Tình trạng một hộ dân sở hữu vài lô đất trong khi nhu cầu ở thì chỉ cần 1 lô là đủ, đất còn lại để hoang hóa, lãng phí xã hội là rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều dự án thiếu đất để tái định cư, thu hồi các hộ dân đôi khi chỉ vài chục mét vuông đất nhưng lô đất đền bù thì phải theo quy định chung như đất trung tâm phải 100m2, đất Hòa Vang thì phải là 150m2, rồi thêm hạ tầng... như vậy lấy đâu ra đủ đất để phát triển đô thị. Đặc biệt, nếu tính đến chuyện tái thiết đô thị, các khu trung tâm thành phố cũ, dân cư chen chúc thì theo phương thức này coi như phá sản ý tưởng tạo lập không gian sống tiện ích hơn, hiện đại hơn. Theo tôi, phương thức phù hợp nhất là kết hợp giữa đền bù bằng đất kết hợp bằng tiền, tái định cư bằng căn hộ chung cư. Phương thức này đã được quy định tại điều 74 Luật đất đai 2013.

Làng cổ Nam Ô, vùng không gian ký ức đặc biệt của Đà Nẵng bị giải tỏa nhường đất cho dự án du lịch. 

P.V: Trong quá trình đô thị hóa, Đà Nẵng đang đánh mất đi nhiều không gian ký ức, là thứ thể hiện chiều sâu của TP, trường tồn với thời gian chứ không phải những dự án cao ốc hay khu nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh đó, theo ông cần làm gì để  có “của để dành” cho con cháu mai này?

Ông Tô Văn Hùng: Như chúng ta đã biết, những không gian ký ức chính là yếu tố “nơi chốn” hàm chứa ý nghĩa vượt lên trên một địa điểm bình thường. Nó không những được thể hiện qua đặc trưng của những yếu tố biểu hình trong không gian mà còn được thể hiện bởi tính chất của không gian đó. Cũng có thể hiểu nôm na rằng, nơi chốn là những gì thuộc về, những chứa đựng bên trong, mang giá trị tinh thần. Và giá trị tinh thần chính là những cốt lõi, yếu tố cần và đủ cho việc xây dựng một lối sống văn hóa, văn minh Đà Nẵng.

Với Đà Nẵng, thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, những gì đạt được trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị, chúng ta rất đỗi tự hào. Nhưng khi “ngoái lại”, không ít người không khỏi chạnh lòng khi mà Đà Nẵng phát triển nhanh, nhanh đến nỗi như vô tình lãng quên đi nhiều không gian mang tính lịch sử, chứa đựng bề dày văn hóa bị xóa bỏ với công cuộc tái thiết đô thị và làn sóng đô thị hóa ồ ạt. Nhiều địa danh đã đi vào tiềm thức như bến ngang Đò Xu, sân vận động Chi Lăng, dốc Cầu Vồng, làng đá Non nước, làng chài Nại Hiên... Một số công trình xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc vốn dĩ ít ỏi nay càng mờ nhạt. Những không gian lễ hội truyền thống lại trở thành một phần cơ cấu đất đai được các nhà quy hoạch cân đo đong đếm và đánh giá không cần thiết? Trong khi, có thể nói, Văn hóa dân gian Đà Nẵng với những Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội mục đồng Làng Phong Lệ, với những độc đáo của làng nghề truyền thống, với làn điệu dân ca, bài chòi, lý, hò vè độc đáo, những kinh điển của nghệ thuật tuồng... theo thời gian đã thực sự là linh hồn của Đà Nẵng.

Trước những thực tế như vậy, TP rất cần chiến lược bảo vệ các yếu tố “nơi chốn” này. Trước hết là khảo sát, khoanh vùng, nghiên cứu, đề xuất việc gìn giữ và phát huy giá trị những di sản kiến trúc khá hiếm hoi còn sót lại. Kế tiếp là sự vào cuộc của các nhà quản lý quy hoạch, cải tạo chỉnh trang các công trình có giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống của người dân Đà Nẵng, các đền thờ, miếu mạo, không gian lễ hội phải được ứng xử với một thái độ trân trọng. Cuối cùng, cần lắm những “của để dành”. Một lối sống văn minh nhất thiết phải có nhận thức hãy để dành cho thế hệ mai sau. Khi chúng ta chưa có một cách làm hay, một giải pháp bền vững, con cháu chúng ta sẽ làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta cần duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể, bởi đây thực sự là nguồn lực, là tài nguyên vô giá, là sự trường tồn đầy ý nghĩa của thời gian.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HẢI HẬU (thực hiện)