Cần khách quan, trung thực trong đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Nếu đọc và phân tích kỹ các vấn đề, nội dung trong Báo cáo nhân quyền thường niên 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy, việc đánh giá này là phiến diện, nhiều vấn đề mang tính quy kết với những nội dung không trung thực và không có sự khảo sát thực tiễn để đưa ra kết quả chính xác. Chính vì lẽ đó, Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lặp lại những vấn đề có tính cũ mòn trước đó và hiển nhiên, điều này nhận nhiều phản ứng ngay từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế.
Lại những đánh giá phiến diện, sai lệch
Nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên tục đưa ra các báo cáo nhân quyền thường niên quốc gia (Country reports on human rights practices) với những nội dung không chính xác về tình hình dân chủ, nhân quyền tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bản báo cáo mới được đưa ra, một lần nữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại thể hiện cái nhìn phiến diện, sai lệch. Ngay từ phần mở đầu, báo cáo cho rằng: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nhà nước độc tài... Cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 năm 2021 không tự do và không công bằng”…
Một số vấn đề trong Báo cáo nhân quyền thường niên 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa thông tin sai lệch như: “Có ít nhất vụ 6 người tử vong trong khi bị giam giữ, nhưng nhà chức trách cho rằng những cái chết này là do “tự tử hoặc do vấn đề sức khỏe”; quy kết việc “bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người thực thi các quyền được quốc tế công nhận, chẳng hạn quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội”...
Thực tế, những nguồn thông tin này, báo cáo đều không đưa ra bằng chứng xác thực mà chỉ thông qua kênh trung gian từ các tổ chức, cá nhân có quan điểm, tư tưởng định kiến, sai lệch hoặc dựa trên phương pháp thu thập từ các nguồn không chính thống, không đảm bảo tính chính xác, khoa học.
Những thông tin trong Báo cáo nhân quyền thường niên 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi quan điểm, định kiến cá nhân, không dựa trên các sự kiện, dữ liệu và chứng cứ khách quan thu thập được. Khi đưa ra đánh giá thiếu khách quan, những thông tin, số liệu, dẫn chứng không phản ánh đúng tình hình hoặc sự việc được đánh giá. Ví dụ, việc báo cáo cho rằng “ở Việt Nam xảy ra bắt bớ và giam giữ tùy tiện, những người thực thi các quyền được quốc tế công nhận, chẳng hạn quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội” song các thông tin này đều không có số liệu đo lường cụ thể, không có các trích dẫn báo cáo từ các nguồn chính thống để minh chứng xác thực những điều mà báo cáo khẳng định. Ngược lại, một số dẫn chứng “xảy ra bắt bớ và giam giữ tuỳ tiện” lại lấy từ các nguồn sai lệch, biến những đối tượng phạm tội, bị xử lý theo pháp luật hình sự thành “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”…
Nghiên cứu bản Báo cáo nhân quyền thường niên 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho thấy, dường như các giá trị dân chủ, nhân quyền mà họ hướng đến chỉ nhằm phục vụ một số cá nhân trong xã hội. Họ nhắc đến những cái tên như Nguyễn Thuý Hạnh, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Tường Thụy, Huỳnh Thục Vy… và khoác lên mình những người này danh nghĩa “nhà hoạt động”, “nhà đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền” để từ đó quy kết việc bắt, xử lý là “chính quyền đàn áp người vô tội”. Thực tế, đây đều là những đối tượng chống đối, lợi dụng vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá đất nước, xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Việt Nam. Những đối tượng nêu trên được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại viện dẫn các trường hợp này và cho rằng, Việt Nam tiến hành các hoạt động bắt giữ tuỳ tiện, xét xử không công bằng, đàn áp xuyên quốc gia, can thiệp bất hợp pháp vào các quyền riêng tư, không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, thiếu tự do Internet…
Đây rõ ràng là một sự đánh giá sai lệch về bản chất. Các giá trị dân chủ, nhân quyền mà Việt Nam hướng đến không thể là dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể, cá nhân và làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Dân chủ, nhân quyền phải phù hợp, hài hoà với sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.
Để đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam một cách khách quan, trung thực, đúng đắn cần phải dựa trên các thông tin và dữ liệu có nguồn gốc đáng tin cậy. Theo đó, các tổ chức nhân quyền, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các phương tiện truyền thông nước ngoài có thể tiến hành khảo sát, thu thập số liệu, dẫn chứng nhưng phải bám sát thực tiễn và có sự xác thực của cơ quan chức năng Việt Nam. Chính các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này ở Việt Nam bằng thực tiễn, kinh nghiệm trong việc thực hiện các quy định pháp luật mới có thông tin, tài liệu đầy đủ, xác thực. Ngoài ra, để đánh giá khách quan, cần phải đưa ra những tiêu chí rõ ràng, minh bạch và được công nhận chính thức, những thông tin trong báo cáo cần được thẩm định và đưa ra đánh giá trước khi công bố.
Hiện nay, chưa có một tiêu chí cụ thể, rõ ràng nào để đánh giá về tình hình nhân quyền ở mọi quốc gia. Trong khi đó, báo cáo nhân quyền của nhiều tổ chức lại tuỳ ý đưa ra những quan điểm, thông số riêng và bằng các nguồn không chính thống nên việc đánh giá mỗi nơi một kiểu, phụ thuộc chính quan điểm, động cơ của cơ quan, tổ chức đưa ra báo cáo.
Ngày 23/3, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam”. Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Bảo đảm quyền con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Về mặt pháp lý, Điều 3, Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Trên cơ sở Hiến pháp, các quy định về quyền con người tiếp tục được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Bảo đảm quyền con người là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng pháp luật.
Điều này được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hằng năm trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việt Nam đã đưa ra nhiều đạo luật mới nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016…
Các luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các quyền cơ bản cho công dân, bảo vệ tự do ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo và quyền riêng tư. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình, khuyến khích tình nguyện giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành và lạm dụng…
Việt Nam luôn xác định bảo đảm an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật, kịp thời luật hoá các quy định tại những Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thúc đẩy, bảo đảm quyền con người.
Trong thực tiễn, dù đời sống xã hội nhiều khó khăn nhưng quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm một cách phù hợp với tình hình đất nước. Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, chúng ta đã phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển con người như: tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng; giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn; giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi...
Trong Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2023 vừa được Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Báo cáo này được xây dựng dựa trên số liệu được thu thập từ người dân tại hơn 150 quốc gia về các tiêu chí: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng. Nhìn vào đây, chúng ta có thể thấy được tình hình nhân quyền tại Việt Nam không hề xấu như những gì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá và lẽ ra, những thông số tích cực đó cần được đưa vào báo cáo nhân quyền.
Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi thẳng thắn với Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt
Sau khi bình thường hoá và thiết lập quan hệ ngoại giao, từ năm 1995 đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác song phương trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau. Hiện nay, mối quan hệ giữa hai quốc gia phát triển một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá, giao lưu nhân dân… Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại thường căn cứ những thông tin phiến diện, một chiều, không chính xác để làm căn cứ đưa ra các bản Báo cáo nhân quyền hằng năm. Điều này không phù hợp với mối quan hệ đối tác toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực xóa bỏ, thu hẹp những rào cản để nâng cao tầm quan hệ hai nước, phát triển bền vững. Một trong những rào cản chính trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là những khác nhau về quan điểm, đánh giá các vấn đề như nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo… Trong thời gian qua, hai nước đã nỗ lực hợp tác và giải quyết những rào cản này bằng cách tăng cường đàm phán và trao đổi thông tin.
Do đó, vượt qua rào cản về định kiến “nhân quyền”, đồng thời trên tinh thần bình đẳng và hợp tác, cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Giữ gìn môi trường hợp tác lành mạnh, đoàn kết với xu thế hòa bình, thịnh vượng là điều mà không chỉ riêng Việt Nam, Hoa Kỳ mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang hướng đến.
Theo CAND
Dòng sự kiện:Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc
Kỳ cuối: Hoa đỏ nơi đại ngàn
Kỳ 1: Tuyên chiến với hủ tục ở Làng Tốt
Kỳ cuối: Vai trò xung kích, đi đầu của sinh viên trong việc nhận diện hình thức mới xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay
Kỳ 3: Để sinh viên nhận diện chính xác những âm mưu thủ đoạn mới xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay và không bị chệch hướng
Kỳ 2: Phơi bày âm mưu kích động, lôi kéo tầng lớp sinh viên của các thế lực thù địch