Cần “mạnh tay” đối với nghề giã cào bay

Thứ hai, 21/01/2019 13:45

Giã cào là nghề truyền thống của ngư dân vùng biển ngang miền Trung, với chiếc thuyền nhỏ, đánh bắt ven bờ và quanh vùng lộng. Thế nhưng, gần đây, một số ngư dân hành nghề giã cào đã mua sắm phương tiện có công suất từ 90CV trở lên, có tốc độ cao đánh bắt theo phương thức “tận diệt” nguồn lợi thủy hải sản nên gọi là “giã cào bay”.

Những chiếc tàu hành nghề giã cào đang neo đậu tại cảng cá Thọ Quang.

Trên thực tế, những tàu có công suất từ 90CV trở lên chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và ở một số vùng biển nhất định. Nhưng vào mùa cá nam hằng năm (từ tháng 4 đến 10 âm lịch), khi mà các loài thủy hải sản vào gần ven bờ và vùng lộng để sinh sản, thì những tàu “giã cào bay” đã bất chấp quy định, vào sát bờ để khai thác theo hình thức tận thu triệt để các nguồn lợi hải sản. Với tốc độ lớn, khai thác kiểu chụp giật, vơ vét như vậy, lợi ích mà các tàu này thu lại rất lớn. Theo một số chủ tàu, chỉ cần một chuyến đi biển trong ngày, có tàu đã thu được từ hàng trăm triệu đồng. Hình thức đánh bắt này đã làm cho nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng xấu đến môi trường đánh bắt cá và gây khó khăn cho một số ngành nghề đánh bắt khác.

Trước thực tế đó, Nhà nước đã có chế tài cấm đánh bắt đối với các phương tiện giã cào bay. Tuy nhiên, việc quản lý đối với các phương tiện đánh bắt tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo nên một số đối tượng đã lợi dụng để tiếp tục hành nghề. Ông Trần Văn Mười -Tổ trưởng tổ đoàn kết khai thác hải sản Biển Sáng, cho biết: Ngoài việc đánh bắt  hải sản theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản, tàu giã cào còn gây ra nhiều sự cố trên biển, như:  làm rách lưới, mất lưới... cho các tàu khác. Bên cạnh đó, khi về neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, tàu giã cào thường xả đủ các loại rác, từ cá phế phẩm, bao ni-lông... gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và cũng là nguyên nhân gây ách tắc luồng lạch khi ra vào âu thuyền.

Ở các vùng biển Trung Trung Bộ, “giã cào bay” được xem là nỗi hãi hùng của ngư dân nghèo làm nghề biển theo phương thức truyền thống. Khi các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thì những tàu giã cào bay luôn có thái độ chống trả, coi thường luật pháp, gây mất an ninh trật tự trên biển. Trước thực trạng trên, nhiều địa phương, như: Đà Nẵng, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế đã phối hợp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Thanh tra Thủy sản... tổ chức truy bắt, xử phạt nhiều đối tượng vi phạm. Thế nhưng tình trạng khai thác hải sản bằng phương thức tận diệt này vẫn tồn tại đã gây bức xúc cho chính quyền các địa phương và cả ngư dân.

Một vấn đề khác làm nhiều ngư dân thắc mắc là phương tiện giã cào bay bị ngành thủy sản cấm hành nghề song vẫn được âu thuyền Thọ Quang bố trí hẳn một cầu cảng cho loại phương tiện này neo đậu, bán cá. Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Văn Phương - Giám đốc Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, cho biết: Đây là chuyện của lịch sử để lại, trong thời gian đến theo sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố sẽ cấm toàn bộ tàu cá hành nghề giã cào bay ra vào cảng cá đồng thời tổ chức nạo vét nhằm cải thiện môi trường nơi đây theo hướng xanh, sạch và đảm bảo sự thông thoáng cho các loại phương tiện khác neo đậu...

Theo chúng tôi, trong thời gian chính quyền Đà Nẵng đã áp dụng chính sách hỗ trợ cho ngư dân xả bản một số phương tiện từ 20CV trở xuống chuyên đánh bắt gần bờ và đầu tư, khuyến khích ngư dân đóng mới các loại tàu có công suất lớn, phát triển nghề đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, để các tàu giã cào bay không còn hoạt động trên các vùng biển, ngành thủy sản và chính quyền các địa phương cần áp dụng những biện pháp khác, như: Tuyên truyền Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 cho ngư dân hiểu, thực hiện, tổ chức gắn thiết bị giám sát hành trình, nhật ký đánh bắt... nhằm kiểm tra, giám sát nguồn gốc hải sản đánh bắt... Bên cạnh đó cũng cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý những đối tượng vi phạm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ bị hủy diệt.

M.T