Cần một "nhạc trưởng" cho du lịch Hội An?

Thứ sáu, 16/01/2015 09:01

(Cadn.com.vn) - Du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng-Quảng Nam thường đi một vòng lên Bà Nà, xuống biển Mỹ Khê, thăm núi Ngũ Hành và vào dạo chơi ở phố cổ Hội An. Từ lâu, phố cổ Hội An đã có một thương hiệu cực kỳ vững chắc trong lòng du khách. Tuy nhiên, phải chăng Hội An vẫn còn chưa thực sự hút khách bởi thiếu một điểm đến về đêm?

Theo lộ trình, khách du lịch khi đến Hội An sẽ vào tham quan phố cổ, sau đó quay về khách sạn ăn tối, nghỉ ngơi, tự do đi chơi. Nếu đến Hội An trong lần đầu tiên, du khách sẽ thấy choáng ngợp bởi những chương trình vui chơi, văn hóa, văn nghệ... ở phố cổ như: nghe ca bài chòi, thả hoa đăng, chơi các trò chơi dân gian hay nghe đọc thơ... Những điểm vui chơi công cộng như Quảng trường Sông Hoài, Khu Vườn tượng An Hội, Công viên Kazik, Khu công viên Tượng đài Nguyễn Duy Hiệu... đã tạo được sức hút ngay lần đầu tiên đến đây. Tuy nhiên, do chủ trương của thành phố là phát triển du lịch Hội An theo hướng văn hóa, nghỉ dưỡng và sinh thái, làng nghề nên lãnh đạo TP đã hạn chế phát triển các điểm giải trí thông thường nhằm tránh phá vỡ không gian văn hóa cũng như chiến lược phát triển chung của thành phố. Đây cũng là điểm cộng, điểm trừ trong du lịch tại phố cổ.

Khách du lịch đến tham quan Hội An vẫn tăng trong năm 2014.

Điểm trừ là khi Hội An về đêm đã không còn hấp dẫn trong mắt du khách trong những lần đến tiếp theo. Khắc phục tình trạng chưa "hút" được khách du lịch, Hội An đã quy hoạch quỹ đất 100 ha tại 2 phường Thanh Hà và Cẩm Phô  để phát triển các khu dịch vụ, giải trí như khu vui chơi; khu di chỉ văn hóa, tâm linh; khu công viên... nhưng chưa triển khai được vì vẫn chưa tìm được nguồn vốn đầu tư. Ngoài ra, thành phố cũng đã giao cho Công ty Plaza Hội An đầu tư xây dựng một siêu thị nhỏ kiểu Family Coopmart đối diện khách sạn Golf Hội An nhưng qua khảo sát doanh nghiệp thấy không hiệu quả nên xin chuyển qua làm dịch vụ lưu trú.

Mới đây nhất, năm 2013, thành phố đã giao khu đất 5.000m2 (số 580-Cửa Đại) cho một doanh nghiệp để tiến hành xây dựng siêu thị nhưng vẫn không triển khai được và đang xin thành phố chuyển mục đích đầu tư. Ngoài ra, Hội An cũng đã tập trung xây dựng các điểm dừng chân làm nơi đón khách ở 31-Nguyễn Thái Học, 62-Bạch Đằng, khu nhà máy nước cũ (đường Lê Hồng Phong), Khu công viên Đồng Hiệp với diện tích 1ha... Bên cạnh đó, thành phố đang tiến hành đầu tư xây dựng 10 khu công viên biển tại những bãi cát xen kẽ giữa các resort ven biển Cửa Đại, Cẩm An. Quy hoạch chợ đầu mối nông sản Cẩm Hà; kiến nghị tỉnh cho nâng cấp chợ Cẩm Châu thành khu trung tâm thương mại... Tuy nhiên, vấn đề gặp phải là nguồn vốn đầu tư và doanh nghiệp cảm nhận thấy thiếu tính khả thi trong "đầu ra", xoay đồng vốn.



Khách du lịch vẫn có chỗ tiêu tiền về đêm tại Hội An.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An tâm huyết: không thể đánh đồng, so sánh Hội An với địa phương khác theo kiểu rập khuôn được. Đồng ý là Hội An thiếu các cửa hiệu thời trang hiện đại, vũ trường, điểm "nóng"... để thu hút khách du lịch đêm nhưng không có nghĩa là Hội An thiếu điểm đến về đêm. Các nơi buôn bán của người dân, các khu thương mại, chợ đêm được xem là nơi đến để khách có thể dạo chơi ban đêm... cũng là những nơi yêu thích của du khách khi đến Hội An. Như tôi được biết thì vừa rồi có một số khách du lịch hủy một số tour ở các khu nghỉ dưỡng ven biển nhưng nhìn tổng thể thì khách du lịch vẫn tăng, lượng khách đến Cù lao Chàm năm 2013 mới chỉ đạt 170.000 lượt khách, trong khi đó năm 2014 vừa qua, mặc dù ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng lượng khách đến Cù lao Chàm đạt gần 300.000 lượt khách. Đây chỉ là một trong rất nhiều điển hình đảm bảo du lịch Hội An vẫn trên đà phát triển...

Qua trao đổi với vị lãnh đạo cao nhất TP Hội An, có thể thấy rằng việc phát triển du lịch ở Hội An không chỉ bao gồm việc tổ chức những dịch vụ độc đáo mà còn liên quan đến quy hoạch không gian đô thị. Tuy nhiên sự tồn tại những DN du lịch nhỏ lẻ, manh mún với việc cắt giảm chi phí các gói du lịch nhưng thực chất là cắt giảm một số lợi ích của khách du lịch đến các điểm tham quan, dẫn đến việc du khách cảm thấy nhàm chán khi đến phố cổ. Đây cũng là tình trạng chung của du lịch cả nước. Bởi vậy, ngành du lịch nói chung, du lịch Hội An riêng thực sự cần một "nhạc trưởng" do chính phủ điều hành để kết nối các doanh nghiệp du lịch, các DN vận tải, DN lưu trú..., nhằm  tạo nguồn vốn huy động, khoanh vùng du lịch. Đây chính là điểm cần làm đầu tiên để phát triển du lịch Việt Nam cũng như du lịch Hội An.

Lê Anh Tuấn

Năm 2014, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng du lịch Quảng Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khi đón gần 3,7 triệu lượt khách lưu trú, tham quan, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013 và tăng gần 4% so với kế hoạch năm. Năm 2015, ngành du lịch Quảng Nam đặt ra mục tiêu đón hơn 3,85 triệu lượt du khách. Riêng TP Hội An, năm 2014 đã đón 1,7 triệu khách quốc tế đến tham quan, trở thành một trong những địa phương có lượng khách quốc tế cao nhất trong năm, tăng gần 8% so với năm 2013; đạt tổng doanh thu ngành thương mại, du lịch gần 3.350 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2013. Năm 2015, Hội An phấn đấu sẽ đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế.