Cân nhắc về “Dự án Luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội Việt Nam”

Thứ bảy, 19/08/2017 08:12

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật Hành chính công, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Trưởng Ban soạn thảo cho biết: Dự án Luật Hành chính công đã được đại biểu đề xuất từ năm 2013, đến tháng 5-2015 lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII; chính thức được Quốc hội khóa XIV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 (tháng 6-2016); được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo với 27 thành viên (tháng 12-2016). Ngay sau khi được thành lập, Ban soạn thảo đã nghiêm túc triển khai các hoạt động nhằm xây dựng hồ sơ trình dự án Luật. Dự thảo Luật có 7 chương, 54 điều.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công Trần Thị Quốc Khánh
trình bày dự thảo tại phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh, dự án Luật Hành chính công là dự án Luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính Nhà nước. Trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, tiến hành rất nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận và trân trọng. Các ý kiến đều đánh giá rất cao tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật.

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, do khối lượng công việc lớn, thời gian dành cho việc nghiên cứu, soạn thảo ngắn, đội ngũ giúp việc mỏng, trong soạn thảo xây dựng còn gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng hồ sơ dự án Luật không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Theo Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, do hồ sơ dự án Luật chưa có ý kiến của Chính phủ nên Ủy ban Pháp luật chưa thể thẩm tra được. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao chất lượng dự án Luật, ngày 14-8-2017, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp góp ý kiến vào dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, những lý do về sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình chưa có tính thuyết phục. Tờ trình chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật thì sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính hiện nay. Vì vậy, cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sự cần thiết để ban hành Luật cần bám sát vào nền hành chính quốc gia, những vấn đề nào của nền hành chính quốc gia đã được pháp luật quy định và nội dung nào chưa được quy định. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các lý do về sự cần thiết ban hành luật còn rời rạc, chưa gắn kết với nhau và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ khái niệm hành chính công bởi đây là khái niệm then chốt trong dự thảo Luật, là cơ sở xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

PHAN PHƯƠNG