Cần sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và các ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Đà Nẵng Lê Thị Mỹ Hạnh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Đại tá Trần Đình Liên, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng chủ trì điểm cầu tại Công an TP Đà Nẵng.
Phải mạnh về kinh tế biển
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nội dung chủ yếu của Nghị quyết 26 đã chỉ ra những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Vùng bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển, diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm gần 29% diện tích cả nước; bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước; toàn vùng có 9 sân bay trong đó có 3 sân bay quốc tế và nhiều cảng biển lớn.
Một số điểm mới trong Nghị quyết lần này là, nếu như Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX trước đây chỉ nêu rất ngắn gọn (21 dòng) về 3 quan điểm định hướng chung thì Nghị quyết lần này đã xác định rõ ràng, đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Nghị quyết đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò chiến lược, đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Phát triển vùng mạnh về biển, giàu từ biển trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là về biển...
Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nội dung hoàn toàn mới. Phấn đấu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phải là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực...
Quyết tâm phấn đấu để đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một vùng phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại và hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu...
Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, QP-AN và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Cả nước vì vùng, vùng vì cả nước
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển và đồng bộ cả 3 lĩnh vực là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với bảo đảm QP-AN, giữ vững chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, Bộ Chính trị thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới để tạo ra bước chuyển biến có tính đột phá phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy phát triển, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động, phát triển nhanh và bền vững vùng sao cho tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng. Bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, góp phần nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng sớm bắt kịp với các vùng phát triển khác trong cả nước. Phát triển vùng mạnh về biển, giàu từ biển trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là về biển; phát triển và nâng cao hiệu quả các cơ sở hạ tầng hiện có; các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế; các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực; các ngành kinh tế biển.
Tổng Bí thư yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao để triển khai thực hiện và thường xuyên có sự kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết "không đánh trống bỏ dùi", "không đầu voi đuôi chuột".
Tổng Bí thư đề nghị, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết. Trên cơ sở đó cần có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng. Phải xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị; đồng thời nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước, đó là: Cả nước vì vùng, và vùng vì cả nước. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Cùng với đó, xác định rõ tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức đối với phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN ở vùng để đề ra các chính sách, biện pháp cụ thể, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Công Hạnh