Cẩn thận với hình thức vay trả góp

Thứ sáu, 10/03/2017 11:55

(Cadn.com.vn) - Hiện nay, tại nhiều địa phương đang nở rộ "dịch vụ" cho vay tiền mặt với hình thức tín chấp hoặc có thế chấp tài sản, người vay được quyền trả góp hàng tháng. Nhiều đối tượng hoạt động loại dịch vụ này công khai rải tờ rơi hoặc dán các tờ quảng cáo ở các cột điện, đèn tín hiệu nơi đông người qua lại để quảng bá. Theo nhiều người, việc vay tiền trả góp này có tiện ích nhanh gọn, không qua các thủ tục rườm rà nhưng người vay phải chịu mức lãi suất cao, khó có thể trả hết nợ, nhiều trường hợp lâm vào cảnh tán gia, bại sản.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu so sánh với cách vay vốn tại các ngân hàng thì dịch vụ cho vay tiền mặt trả góp này đơn giản hơn nhiều. Người vay chỉ cần cung cấp thông tin về cá nhân, như: số điện thoại, số tài khoản, số tiền lương hàng tháng... cho bên vay. Tùy vào mức độ thu nhập của từng người, bên cho vay có thể định mức để "giải ngân". Cụ thể, mức lương từ 5 triệu đồng trở xuống chỉ được vay khoảng 50 triệu đồng và trường hợp thu nhập hàng tháng của người vay càng cao thì bên số tiền được vay sẽ cao hơn. Trong trường hợp lương thấp nhưng muốn vay số tiền lớn, đòi hỏi người vay phải thế chấp bằng tài sản, như: giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Ngoài những tiện lợi về thủ tục, với người vay trả góp cũng hưởng được khoản "tiện ích" khác, là chỉ cần chỉ rõ địa điểm, người cho vay sẽ mang tiền đến tận nhà, giao đủ (sau khi trừ đi khoản lãi tháng đầu tiên).

Quảng cáo "cho vay trả góp" được dán công khai ngoài đường. 

Trong vai một người cần tiền để giải quyết công việc riêng, chúng tôi liên lạc với số điện thoại được ghi trong tờ rơi quảng cáo. Bên kia đầu dây, một người nam tên N., giới thiệu về hình thức vay này và không quên "điều tra": Anh ở đâu, làm gì, mức lương bao nhiêu, vì sao không vay tại ngân hàng...? Cuối cùng, người này "chốt hạ", mức lãi suất là vay 1 triệu đồng, trả lãi 83.000 đồng/tháng, đồng thời dặn chúng tôi chuẩn bị các hồ sơ, như: chứng minh nhân dân, quyết định lên lương có thời gian gần nhất...

Tìm hiểu thêm về loại dịch vụ này, tuy có những "ưu điểm": nhanh, gọn song khi tiến hành giao dịch bằng hình thức vay tiền trả góp, người vay phải chịu những thiệt thòi khác. Trước hết là lãi suất vay, với hình thức này, người vay thường chịu lãi suất từ 8-12%/tháng, tùy thuộc vào mức lãi do bên vay quy định. Việc hoàn trả vốn được tính thời hạn bằng tháng, trong trường hợp người vay không hoàn trả đúng thời hạn thì tiền lãi sẽ được cộng lũy kế vào tiền gốc để tính lãi phát sinh trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, người vay còn phải chịu những rủi ro khác, như: khủng bố về tinh thần, bị xiết nợ, đe dọa hành hung... chẳng khác gì xã hội đen. Trước tình trạng này, nhiều nạn nhân đành chọn phương pháp bán cả gia sản để trả nợ. Theo nhiều người, những đối tượng cho vay trả góp này thường liên kết với một nhóm đối tượng xấu chuyên hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê... và địa bàn hoạt động thường là các chợ, sòng bạc...

Trao đổi về loại hình dịch vụ này, ông Ngô Mạnh Hiếu - cán bộ Kiểm tra Ngân hàng NN&PTNT Hải Châu (Đà Nẵng), cho biết: Đây là hình thức cho vay nặng lãi mà người dân thường gọi là "bốc nóng". Hình thức cho vay này phổ biến tại các chợ, các sòng bạc và hiện nay chuyển sang hoạt động công khai. Để đối phó với các cơ quan pháp luật và tránh việc bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người cho vay thường ghi trong hợp đồng lãi suất không vượt quá 10 lần lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Hiện tại, loại hình cho vay trả góp đã và đang len lỏi vào cuộc sống. Nó đã đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh tán gia, bại sản và góp phần làm cho các loại tệ nạn xã hội tăng lên. Mong rằng, mọi người hãy cẩn thận và Nhà nước cần một chế tài mạnh mẽ nhằm xử lý những đối tượng chuyên cho vay trả góp.

M.T