Cần xác định lại trữ lượng mỏ vàng Khe Đương

Thứ năm, 17/04/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Tháng 7-2006, bãi vàng Khe Đương (xã Hòa Bắc-H. Hòa Vang) vô cùng nóng bỏng khi có thông tin vàng khối được phát hiện. Tiếp đó, việc dân khai thác trái phép lại “hốt vàng” nhờ trúng vỉa khiến hàng ngàn người đổ về đây kéo theo cuộc chiến giành giật lãnh địa. Thế nhưng, hàm lượng và trữ lượng của mỏ vàng Khe Đương (MVKĐ) vẫn được đánh giá hết sức “khiêm tốn”. Và Cty TNHH Trường Sơn cũng chỉ phải đóng góp một khoản tiền “khiêm tốn” tương ứng để khai thác toàn bộ mỏ vàng này...

Ngày 17-10-2007, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Đà Nẵng tổ chức quản lý, bảo vệ và cấp phép khai thác MVKĐ. Ngày 26-10-2007, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng xét thầu (do Sở Công nghiệp nay là Sở Công Thương chủ trì), UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Cty TNHH Trường Sơn (có trụ sở tại Khâm Đức, H. Phước Sơn-Quảng Nam) được lập dự án khai thác, chế biến vàng tại mỏ vàng này.

Đến tháng 3-2008, UBND TP đã cấp giấy phép cho Cty Khai thác MVKĐ trên một khu vực rộng 22ha trong thời gian 36 tháng. Sở Tài nguyên-Môi trường đề nghị có thể gia hạn thêm 2 năm nếu Cty thực hiện tốt các quy định trong khai thác và chế biến. Trước đó, tháng 7-2007, Cty TNHH Trường Sơn đã được trúng thầu khai thác vàng ở Khe Đương sau cuộc chọn thầu có nhiều khuất tất mà báo chí đã nêu...

Lực lượng CA kiểm tra một hầm vàng ở Khe Đương năm 2006.

Căn cứ để đánh giá trữ lượng, hàm lượng vàng tại Khe Đương được dựa vào... ý kiến của Đoàn địa chất 501 (đơn vị phát hiện vàng tại Khe Đương năm 1993) và nhận định chủ quan của Cty TNHH Trường Sơn. Theo đề án khai thác của Cty này, “Vì không bố trí các công trình thăm dò nên không đưa ra các chỉ tiêu tính toán trữ lượng mà chỉ có thể đưa ra các thông số tính toán trữ lượng dự đoán của mỏ”. Theo đó, chiều dài thân quặng dự đoán khoảng 800m, chiều dày trung bình mạch quặng 0,4m, hàm lượng vàng trung bình trong các mạch quặng 3,5g/tấn, tuổi vàng 68%.

Từ những số liệu này, Cty đưa ra ước tính trữ lượng khoáng sản đưa vào khai thác tại mỏ là 450kg vàng gốc, tương đương 306kg vàng 99%. Quá trình khai thác của Cty tại mỏ vàng này dự kiến khoảng 5 năm 6 tháng, sản lượng mỗi năm là 60kg vàng thành phẩm. Sản lượng này cũng chính là căn cứ để Cty TNHH Trường Sơn thực hiện các nghĩa vụ. Theo Công văn số 09 ngày 10-7-2007 của Cty gửi UBND TP cùng các sở Công nghiệp, Tài nguyên-Môi trường để “bổ sung” hồ sơ dự thầu đã nộp trước đó, Cty điều chỉnh mức nộp ngân sách ban đầu là 1,5 tỷ đồng; cam kết hằng năm nộp vào ngân sách TP 400.000.000đ; ủng hộ Quỹ ủng hộ người nghèo của địa phương hằng năm 500.000.000đ...

 Quặng vàng tại bãi vàng Khe Đương.

Rõ ràng, khi công tác khảo sát, đánh giá lại trữ lượng MVKĐ không được quan tâm đúng mức thì việc đóng góp vào ngân sách của Cty TNHH Trường Sơn căn cứ trên mức sản lượng khai thác gây thắc mắc cho công luận. Một vấn đề cần làm rõ là trong Công văn trên, Cty TNHH Trường Sơn cam kết “Tỷ lệ đóng góp hằng năm trên sản lượng là 35% trên tổng sản lượng khai thác”, (35% của 60kg vàng 99%, tức gần 500 lượng vàng). Thế nhưng trong dự án khai thác mà Cty gửi các cơ quan thẩm quyền, tỷ lệ đóng góp này lại biến thành 35% lãi ròng với số tiền dự tính chỉ khoảng 830.000.000đ (?). Hiện nay, Cty TNHH Trường Sơn đang hoàn tất các thủ tục để mở đường và xây dựng cơ sở để phục vụ việc khai thác, chế biến vàng tại Khe Đương...

Một cá nhân tham gia bảo vệ bãi vàng Khe Đương năm 2006 kể lại, khi lực lượng vũ trang chốt chặn đường vào bãi vàng thì dân khai thác vàng trái phép còn đòi “bồi dưỡng” 1-2 triệu đồng để xin hốt một bao “xái” mà những người khai thác trái phép trước đó thải loại (tất nhiên lực lượng bảo vệ bác bỏ đề nghị này). Theo giới khai thác vàng, từ thực tế của việc khai thác vàng trái phép ồ ạt giữa năm 2006 cho thấy, con số của Cty Trường Sơn đưa ra không phản ánh đúng hàm lượng của quặng vàng Khe Đương. Những luồng ý kiến này rất đáng được quan tâm.

Quặng vàng là một trong các loại tài nguyên thiên nhiên quý giá cần được quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nhằm tạo nguồn lực mạnh mẽ, lâu bền, phục vụ phát triển đất nước. Việc xác định đúng trữ lượng và chống thất thoát, lãng phí có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quá trình khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này. Thế nhưng, dường như bãi vàng Khe Đương đã được giao cho một Cty tư nhân một cách vội vàng. Lẽ ra trước những thông tin mới về việc phát hiện vàng ở Khe Đương, các ngành chức năng ở Đà Nẵng và Cục Tài nguyên quốc gia phải tổ chức thăm dò, khảo sát lại mỏ vàng này để đánh giá đúng trữ lượng, giá trị trước khi khai thác...

Thân Lai