Cần xem xét lại kết quả giám định thương tích để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo

Thứ năm, 16/02/2017 09:13

(Cadn.com.vn) - Bị cáo Lê Tấn Cảnh (1990, trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” do đã đánh anh Nguyễn Trí Thuận (1990, cùng trú P. Hòa Khánh Bắc) bị thương tích 63%. Tại phiên tòa, bị cáo một mực kêu oan vì cho rằng  giám định thương tích đối với người bị hại không đúng thực tế, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt về vấn đề này. Nhận thấy, kết luận về thương tích đối với nạn nhân cần phải được làm rõ thêm, VKSND Q. Liên Chiểu đề nghị trả hồ sơ và được TAND Q. Liên Chiểu chấp nhận.

Bản kết luận giám định thương tích của anh Thuận.

Theo cáo trạng, Cảnh và Thuận là nhân viên bảo vệ tại một công ty trong KCN Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ngày 17-4-2016, trong lúc trực bảo vệ tại công ty giữa Cảnh và Thuận  xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Do Thuận có lời lẽ thách thức nên cảnh tức giận tung một cú đấm vào mặt Thuận, song do Thuận quay mặt qua bên phải nên cú đấm trúng vào sau gáy Thuận. Theo Cảnh khai không cố ý đánh vào vùng cổ của Thuận và cũng không biết trước đó Thuận đã từng bị thương tích ở cổ. Ngày 21-4-2016, Viện khoa học hình sự Bộ CA - Phiên viện tại TP Đà Nẵng có Kết luận giám định số 233/C54C kết luận Thuận bị tổn thương tủy cổ ngang mức C4-C5 gây liệt tứ chi mức độ nhẹ, vùng cổ không thấy dấu vết thương tích, tỷ lệ thương tích được xếp 63%.

Ngày 7-6-2016, Cảnh có đơn đề nghị giám định lại thương tích đối với anh Thuận. Vì theo Cảnh, với sức đánh của mình không thể gây ra mức thương tích 63% như bản kết luận. Về nội dung này, không chỉ bị cáo không đồng ý mà những người thực thi pháp luật cũng nhận thấy có sự sai phạm về tính pháp lý. Cụ thể, ngày 11-8-2013, Thuận bị TNGT gây chất thương đốt sống cổ, đã phẫu thuật kết hộp xương, ép tủy, phù tủy. Ngày 28-8-2013, Thuận vào viện phục hồi chức năng vì bị liệt tứ chi và ra viện ngày 1-10-2013. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây, cú đánh của Cảnh có gây ra thương tích 63% như kết luận giám định hay có cả chấn thương cổ do di chứng từ vụ TNGT trước đó? Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, cần phải xác định tỷ lệ thương tích của anh Thuận trong vụ TNGT năm 2013 là bao nhiêu và tỉ lệ thương tích do bị cáo Cảnh đánh năm 2016 là bao nhiêu?

Về bản giám định thương tích, đại diện VKS, luật sư bào chữa cho bị cáo và những người tham gia tố tụng đều nhận thấy có sự vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT ban hành ngày 31-12-2013, quy định giám định thương tích vùng cột sống phải có 2 giám định viên và 2 người giúp việc, tuy nhiên đối với trường hợp nêu trên chỉ có một giám định viên thực hiện là sai. Về nội dung giám định có nhiều mâu thuẫn nhau, như trong phần xét nghiệm ghi “Hẹp khe gian đốt sống C4-C5” nhưng ở ngoài không thấy tổn thương, bên trong đốt sống cổ không thấy tổn thương “rạn, nứt, vỡ đốt sống” thì không thể dẫn đến việc hẹp khe gian đốt sống và hẹp ống sống cổ. Vấn đề đặt ra ở đây, liệu việc hẹp này có lý do gì khác như: bị cố tật bẩm sinh, do người đọc phim...  mà không phải hoàn toàn do việc Cảnh đánh gây nên?

Để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, tránh làm oan người vô tội, cần làm rõ việc xác định mức độ ảnh hưởng của vết thương cũ do TNGT đối với thương tích do Cảnh gây ra, thương tích của vết thương cũ bao nhiêu %; xác định và giải thích thêm về cách tính tổng tỷ lệ thương tích cũ, mới... VKS đã đề nghị trả hồ sơ để làm rõ thêm. Nhận thấy những vấn đề VKS nêu đúng quy định của pháp luật, trong phiên xét xử ngày 20-1-2017, TAND Q. Liên Chiểu đã trả hồ sơ điều tra, xác định lại thương tích đối với bị hại Nguyễn Trí Thuận.

Trang Trần