Càng giữ, rừng càng mất (!?)
Đó là nghịch lý đã và đang xảy ra trên các diện tích lâm nghiệp mà các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai được giao. Qua 3 năm thanh tra, liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện gần 10.000ha đất lâm nghiệp bị mất, lấn chiếm và hàng chục tỷ đồng sai phạm. Đã có 8/17 đơn vị sai phạm chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý.
Một diện tích rừng tự nhiên còn sót lại giữa bạt ngàn diện tích đất lâm nghiệp mà người dân lấn chiếm trồng cây tràm tại BQL RPH Ya Hội. |
Câu chuyện mất rừng, mất đất rừng luôn là vấn đề "nóng" trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Không chỉ áp lực từ nhu cầu, từ đất sản xuất mà địa phương này cũng xác định sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã khiến đất lâm nghiệp ngày càng bị thu hẹp đi... Trước thực trạng trên, từ năm 2016, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc quyết liệt nhằm "đại phẫu" lại công cuộc giữ rừng trên địa bàn. Từ đó, hàng loạt sai phạm, bất cập đã được chỉ rõ, đặc biệt là xử lý nghiêm những chủ rừng vi phạm.
Qua 3 năm triển khai, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã tiến hành thanh kiểm tra tại 17 đơn vị chủ rừng, trong đó có 3 Cty lâm nghiệp, 1 Khu bảo tồn thiên nhiên và 13 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, 17 đơn vị trên được giao quản lý, bảo vệ với diện tích gần 194.000ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra đã phát hiện diện tích đất lâm nghiệp bị mất và lấn chiếm là gần 9.500ha, trong đó diện tích đất có rừng là trên 5.500ha. Không những thế, qua thanh tra đã phát hiện gần 26,8 tỷ đồng tiền sai phạm tại các đơn vị. Trước những sai phạm trên, đã có 3 tập thể và 51 cá nhân bị kiểm điểm rút kinh nghiệm và 21 cá nhân bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo.
Đáng lo ngại hơn, trong 17 đơn vị thanh tra thì đã có đến 8 BQLRPH có dấu hiệu tội phạm và Thanh tra tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) CA tỉnh Gia Lai điều tra, xử lý theo thẩm quyền, gồm: các BQLRPH Bắc An Khê, Ya Hội, Bắc Biển Hồ, Ia Grai, Ayun Pa, Đức Cơ và BQL RPH Ia Puch. Cả 8 đơn vị trên đều đã để mất rừng trong thời gian dài nhưng thiếu biện pháp xử lý.
Cá biệt, tại BQLRPH Ya Hội khi được giao quản lý, bảo vệ gần 1.290ha đất rừng sản xuất trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai) nhưng qua kết quả thanh tra xác định đơn vị này đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai khi để mất gần 883ha đất lâm nghiệp (chiếm trên 68% diện tích được giao), trong đó có trên 166ha diện tích đất có rừng. Hay tại BQLRPH Ia Grai, dù được giao quản lý và bảo vệ 717ha đất lâm nghiệp nhưng qua kết quả thanh tra phát hiện đơn vị này đã để mất, lấn chiếm trên 360ha rừng trồng, gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước tương đương số tiền gần 12,5 tỷ đồng.
Diện tích đất lâm nghiệp tại BQLRPH Bắc Biển Hồ bị chính ông Nguyễn Đức, nguyên Trưởng BQL lấn chiếm để xây nhà, trang trại. |
Một đơn vị khác sai phạm trầm trọng hơn chính là BQLRPH Bắc Biển Hồ. Dù được giao quản lý, bảo vệ diện tích trên 8.100ha đất rừng phòng hộ nhưng đơn vị này đã để gần 2.500ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong đó có trên 278ha rừng bị thiệt hại. Thậm chí, Thanh tra tỉnh Gia Lai còn phát hiện gần 8,5ha đất lâm nghiệp đã bị chính cán bộ, nhân viên BQLRPH này lạm dụng chức vụ, quyền hạn lấn chiếm, sử dụng trái phép. Trong diện tích trên, đã có 5,6ha đã được UBND TP Pleiku cấp Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật. Chưa kể, trong công tác quản lý tài chính, Thanh tra đã phát hiện có gần 3,5 tỷ đồng sai phạm và có dấu hiệu biển thủ ngân sách để tiêu xài cá nhân. Cuối năm 2019, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử liên quan đến hàng loạt sai phạm tại BQLRPH Bắc Biển Hồ. Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức- nguyên Trưởng BQL bị tuyên phạt 7 năm tù; bị cáo Đặng Văn Cườm- nguyên Kế toán trưởng BQL bị tuyên phạt 39 tháng tù.
Cũng qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong tài chính tại các đơn vị trên. Trong đó, số tiền sai phạm phát hiện nhiều nhất tại BQLRPH Đăk Đoa khi Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị thu hồi nộp ngân sách số tiền trên 5,3 tỷ đồng. Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện sai phạm trong việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước với số tiền gần 438 triệu đồng. Liên quan đến sự việc trên, ông Trịnh Viết Ty- Giám đốc Khu bảo tồn đã bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.
Từ kết quả thanh tra trên cho thấy, câu chuyện nghịch lý "càng giữ rừng, rừng càng mất" đã bộc lộ nhiều nguyên nhân. Trong đó, vẫn là nguyên nhân khách quan khi nhiều đơn vị chủ rừng bộc lộ sự yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí là buông lỏng quản lý. Thậm chí, có nhiều dấu hiệu tiếp tay cho các đối tượng lâm tặc khiến tình trạng rừng ngày càng suy kiệt. Nhìn nhận về thực trạng tại các BQL rừng và Cty lâm nghiệp, ông Vũ Ngọc An- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: "Thời gian tới, Sở tham mưu đề xuất với UBND tỉnh Gia Lai nhằm sắp xếp lại toàn bộ hệ thống chủ rừng là các BQLRPH và các Cty lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng tinh gọn, bố trí những cán bộ lãnh đạo của các chủ rừng này có đầy đủ phẩm chất, năng lực. Đồng thời, bố trí đủ biên chế theo định biên cho phép để có đủ lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng".
Minh Tân