Căng thẳng leo thang, Nga kêu gọi Mỹ kiềm chế Ukraine
Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã kêu gọi Washington "kiềm chế những con rối Ukraine" sau các cuộc biểu tình gần các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine, liên quan tới vụ đụng độ ở Eo biển Kerch ngoài khơi Bán đảo Crimea.
Các nghị sĩ Ukraine bàn bạc trước cuộc bỏ phiếu về việc áp đặt thiết quân luật. Ảnh: CNN |
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào tối 25-11, sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine gần Eo biển Kerch. Những người biểu tình đốt lốp xe và ném lựu đạn khói vào khu vực của các phái bộ ngoại giao Nga. Trên trang facebook, Đại sứ quán Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với các đồng nghiệp của mình tại Đại sứ quán ở Kiev và lãnh sự quán Nga ở Ukraine, những người đang thường xuyên phải đối mặt với sự gây hấn. Chúng tôi kêu gọi Mỹ kiềm chế những con rối Ukraine của họ. Việc thiếu kiểm soát hiện nay đối với chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tân Quốc xã ở Ukraine phải chấm dứt".
Mỹ ủng hộ Ukraine
Lời kêu gọi trên của Nga được đưa ra trong bối cảnh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 26-11 ra tuyên bố cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với Kiev sau vụ đụng độ giữa các tàu hải quân Nga và Ukraine tại Eo biển Kerch.
Tuyên bố sau cuộc điện đàm giữa ông Pompeo với Tổng thống Ukraine Petro Porsoshenko nêu rõ: "Ngoại trưởng Pompeo tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, tính cả khu vực lãnh hải của nước này. Ngoại trưởng Pompeo... bày tỏ sự cảm kích đối với các bước đi của Ukraine nhằm hạ nhiệt tình hình với Nga". Tuy vậy, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu rõ bước đi nào mà Kiev đã hạ nhiệt tình hình sau sự cố trên. Bà Nauert nhấn mạnh, Tổng thống Poroshenko bày tỏ sự cảm kích trước sự ủng hộ của Washington.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm cả thiết bị và vũ khí hàng hải sát thương. Ông Menendez cũng cho rằng, Mỹ cũng nên giúp Ukraine cải thiện nhận thức về lĩnh vực hàng hải của mình và thúc giục NATO tăng cường các cuộc diễn tập và sự hiện diện ở biển Đen.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26-11, Thượng nghị sĩ James Inhofe, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ cho rằng, Mỹ và Châu Âu phải xem xét bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Nga, gia tăng hiện diện của Mỹ và NATO trên khu vực biển Đen, đồng thời tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cory Gardner kêu gọi Mỹ và các nước cần có "phản ứng nghiêm túc" đối với Nga. Trong một tuyên bố riêng rẽ, ông Gardner kêu gọi chính quyền Mỹ khẩn cấp đưa ra các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quốc phòng để ngăn chặn Nga, bao gồm triển khai thêm lực lượng và khí tài của Mỹ và NATO tại Châu Âu, áp dụng các biện pháp cấm vận đối với các quan chức cấp cao của Nga cùng với gia đình, cắt giảm mạnh các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không hài lòng với những gì đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, một ngày sau khi Moscow bắt giữ các tàu của Kiev ở gần bán đảo Crimea. Phát biểu với phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo Châu Âu nhằm tìm kiếm một giải pháp cho tình hình hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Thiết quân luật
Sau vụ đụng độ tại Eo biển Kerch, Quốc hội Ukraine hôm 26-11 bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko áp đặt lệnh thiết quân luật trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28-11, tại các khu vực biên giới dễ bị Nga tấn công nhất.
Theo thiết quân luật, quân đội Ukraine sẽ tổ chức phòng không và huy động thêm quân số cùng nhiều biện pháp khẩn cấp khác. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Poroshenko nhấn mạnh, sắc lệnh này không hạn chế quyền công dân cũng như trì hoãn các cuộc bầu cử đã được ấn định vào năm tới. Ông cũng đề nghị Quốc hội cho phép ông áp đặt thiết quân luật trong vòng 30 ngày thay vì 60 ngày như đề xuất ban đầu.
Trước động thái này của Kiev, đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) Aleksandr Lukashevich cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đang "theo đuổi chính sách gây căng thẳng". Theo ông Lukashevich, việc Ukraine áp đặt thiết quân luật đang tạo mối đe dọa đối với an ninh của Donbass. Kiev với sự hỗ trợ của các cơ quan đặc nhiệm nước ngoài đang chuẩn bị vụ khiêu khích vũ khí hóa học tại Dobass.
Không cần quan hệ ngoại giao với Nga
Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin sau đó tuyên bố rằng nước này không cần có quan hệ ngoại giao với Nga, nhưng Kiev vẫn chưa sẵn sàng để cắt đứt mối quan hệ này.
Phát biểu tại Quốc hội, ông Klimkin nói: "Chúng ta không cần mối quan hệ với Nga, và thực sự chúng ta không có mối quan hệ như vậy, nhưng vẫn cần tìm cách giúp đỡ, chăm sóc và làm công tác lãnh sự đối với khoảng 2,5 triệu kiều bào Ukraine đang sinh sống ở Liên bang Nga". Trước đó, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố không ủng hộ ý tưởng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, vì điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến người dân Ukraine.
AN BÌNH