Cảnh báo “bẫy” vay tiền online
Vừa qua, nhiều nạn nhân khiếu nại tới công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) về việc bị các đối tượng sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng dưới hình thức vay tiền qua mạng. Điểm chung là các đối tượng đều mạo danh công ty con của FE CREDIT để lấy lòng tin của khách hàng.
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn được vay với số tiền lớn nhưng lại gặp khó do dính nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính. Từ đó, các đối tượng giả mạo thành các công ty cho vay tiền như Vay Credit, Thịnh Vượng Credit, Hoàng Long Credit… (trên thực tế không có các công ty này). Sau đó thiết lập quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung “cho vay tiền online” để dẫn dụ và chào mời khách hàng vay.
Sau khi khách hàng đồng ý vay, đối tượng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội như Zalo, Messenger để tương tác với khách hàng như nhân viên tổng đài hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng thực hiện thủ tục vay thông qua các trang web giả danh là công ty con của các công ty tài chính như FE CREDIT.
Chúng sẽ gửi cho khách hàng đường link yêu cầu khách hàng truy cập và làm theo hướng dẫn. Để tạo lòng tin, các đối tượng còn lập trình trang website đầy đủ các bước như các app cho vay online chính thống. Tuy nhiên, khi đến bước nhận tiền thì đối tượng thông báo tài khoản khách hàng đã bị đóng băng không thể giải ngân. Sau đó chúng yêu cầu khách hàng liên hệ với hệ thống chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn. Khi khách hàng liên hệ, đối tượng lừa đảo nêu lý do: khách hàng cung cấp sai thông tin nên không thể không giải ngân.
Nhận thấy tâm lý khách hàng muốn nhận tiền ngay, chúng tạo ra các thông báo khác nhau để tăng độ tin tưởng với nội dung chính: Khách hàng sẽ chuyển khoản vào tài khoản do đối tượng cung cấp một khoản tiền từ 3 triệu – 16 triệu đồng. Sau khi tài khoản kích hoạt giải ngân sẽ được hoàn trả số tiền mà khách hàng đã chuyển khoản. Thực tế, sau khi nạn nhân đã chuyển tiền thì các đối tượng nhanh chóng khóa sim, tài khoản đã liên lạc trước đó, rút tiền khỏi tài khoản.
Đối với những khách hàng còn nghi ngờ, đối tượng yêu cầu họ lên trụ sở của FE CREDIT thì sẽ có nhân viên hỗ trợ trực tiếp nhưng kèm theo đe dọa là sẽ mất nhiều thời gian và không nhận được tiền ngay. Với thủ đoạn tinh vi, chúng còn cố tình làm giả các thông báo bao gồm hình ảnh các logo của công ty, con dấu mộc Scan, chữ ký, địa chỉ...nhằm cố ý tạo sự nhầm lẫn cho khách hàng. Các thông báo chỉ được chụp hình lại từ thiết bị điện tử mà không được tin ấn thành văn bản giấy để gửi đến khách hàng. Trường hợp khách hàng tin tưởng, sợ mất nhiều thời gian thì sẽ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo mà không đến địa chỉ theo yêu cầu để xác minh.
Theo điều tra ban đầu, FE CREDIT khẳng định thông tin về các công ty do khách hàng cung cấp là giả và hoàn toàn không liên quan đến FE CREDIT. Hiện tại, FE CREDIT đang hỗ trợ hướng dẫn khách hàng giải quyết các khiếu nại.
Đồng thời, nhằm nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, bảo đảm an toàn thông tin và tài sản của khách hàng, FE CREDIT khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ được gắn kèm trong nội dung tin nhắn không rõ nguồn gốc. Không ký bất cứ giấy tờ nào khi chưa đọc kỹ nội dung, kể cả chữ ký điện tử trên điện thoại.
Khi có nhu cầu vay tiêu dùng, cần liên hệ trực tiếp với các công ty tài chính uy tín được cấp phép hoạt động để được nhân viên công ty hướng dẫn về thủ tục.
Đồng thời, khi khách hàng phát hiện những giao dịch gian lận hoặc có băn khoăn, vướng mắc hay cần trao đổi thông tin, hãy gọi liên lạc ngay với tổng đài chính thức của công ty tài chính hoặc đến văn phòng chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn xử lý.