Cảnh báo tình trạng giả danh cơ quan BHXH để lừa đảo chi phí khám chữa bệnh BHYT
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng các cuộc gọi từ các đầu số lạ 055..., 8009... tự xưng là người của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), thông báo cho người dân việc họ đã đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT nhưng chưa thanh toán tiền khám chữa bệnh hoặc thông báo người dân đã trục lợi tiền khám chữa bệnh từ quỹ BHYT...
Cán bộ BHXH hỗ trợ giao dịch điện tử cá nhân và cài đặt VssID tại các đơn vị. Ảnh: BHXH |
Sau 1 tháng đi vào hoạt động, tính đến ngày 16-12-2020, ứng dụng VssID - BHXH số của BHXH Việt Nam đã có gần 230.000 lượt tải và đăng ký sử dụng (trong đó trên kho ứng dụng: AppStore là 92.900 lượt tải, GooglePlay là 136.000 lượt tải).
Phản hồi của người sử dụng đều cho rằng, ứng dụng rất tiện lợi, hữu ích, có thể dễ dàng tra cứu được thông tin quá trình tham gia, thông tin hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, kiểm tra lịch sử khám chữa bệnh BHYT của bản thân. Ngoài ra, còn có thể sử dụng rất nhiều tiện ích như đọc tin tức về BHXH, BHYT, BHTN mới nhất, gửi các câu hỏi, giải đáp các câu hỏi, tra cứu các cơ sở KCB cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH... Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dùng phản ánh và cho rằng việc phải xác minh danh tính đăng ký tài khoản với cơ quan BHXH để sử dụng ứng dụng là rắc rối và không cần thiết.
Theo đó, để đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích của ứng dụng, người dùng cần đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, truy vào cập đường dẫn https: //dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/#/dang-ky và làm theo hướng dẫn (ghi đúng số điện thoại để xác nhận thông tin đăng ký và mã OTP cho các giao dịch sau này). Sau khi đăng ký tài khoản, người dùng tiến hành in Tờ khai (ký và ghi rõ họ tên), nộp Tờ khai tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Cơ quan BHXH (đơn vị người dùng đã lựa chọn khi đăng ký trong Tờ khai); xuất trình CMND/thẻ Căn cước công dân/hộ chiếu để xác minh thông tin.
Lý giải về việc người dân cần xác minh danh tính để sử dụng ứng dụng, ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, BHXH Việt Nam, cho biết: Việc xác minh danh tính để đảm bảo chỉ chủ tài khoản giao dịch - người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mới được phép sử dụng ứng dụng để tra cứu lịch sử KCB BHYT, thông tin hưởng các chế độ BHXH, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT của mình trên ứng dụng để thực hiện khám chưa bệnh BHYT, thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến liên quan... Bên cạnh đó, BHXH số đồng thời chứa những thông tin nhạy cảm, dữ liệu cần bảo mật cao, gắn liền với người dân, vì vậy, cần có giấy tờ tùy thân của mỗi người để chứng minh định danh. Thêm bước xác minh này khiến người đăng ký mất thêm một chút thời gian, nhưng sẽ tăng tính bảo mật cao cho dữ liệu thông tin của người dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Phương cũng thông tin, thời gian gần đây có nhiều đối tượng đã lợi dụng các thông tin cá nhân như quá trình đóng, hưởng các chế độ của BHXH, BHYT của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để lừa đảo, trục lợi tiền của người dân. Cụ thể, thời gian qua, xuất hiện tình trạng các cuộc gọi từ các đầu số lạ 055..., 8009... tự xưng là người của cơ quan BHXH, thông báo cho người dân việc họ đã đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT nhưng chưa thanh toán tiền khám chữa bệnh hoặc thông báo người dân đã trục lợi tiền khám chữa bệnh từ quỹ BHYT... Sau đó yêu cầu người dân cung cấp thông tin về nhân thân và nộp một khoản tiền (thông qua tài khoản) để thanh toán chi phí đã khám chữa bệnh BHYT hoặc hoàn trả tiền đã trục lợi từ quỹ BHYT, nếu không cơ quan BHXH sẽ báo công an vào cuộc điều tra, trừ tiền có trong tài khoản ngân hàng của người dân, cắt quyền sử dụng thẻ BHYT của người dân.
“Chính vì vậy, việc xác minh danh tính để sử dụng ứng dụng là rất cần thiết, nhằm mục đích bảo vệ các quyền lợi an sinh chính đáng của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết.
P.V