Cảnh báo tình trạng trộm cắp trong bệnh viện

Thứ năm, 05/09/2019 08:57

Lợi dụng thời điểm đêm khuya, trà trộn vào các bệnh viện (BV), giả làm người nhà bệnh nhân để chọn mục tiêu gây án là thủ đoạn mà các đối tượng trộm cắp thường sử dụng. Tình trạng này xảy ra rất nhiều nhưng đa phần các bị hại không trình báo cơ quan chức năng để điều tra làm rõ. Chỉ khi đối tượng được phát hiện và bắt giữ, một số bị hại mới đến cơ quan công an để trình báo với hy vọng tìm lại tài sản. Nhưng việc điều tra, truy xét không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Đối tượng Trần Duy Khoa có “thành tích” ăn trộm tại bệnh viện.

Những gã “đạo chích” vô tâm

Ngoài chịu đựng các cơn đau trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân và người nhà còn phải chạy vạy đủ đường để lo viện phí. Để liên lạc, trao đổi thông tin tình hình sức khỏe với người thân, người nhà ở quê thì chiếc điện thoại di động là phương tiện duy nhất. Tuy nhiên, những gã “đạo chích” đã nhẫn tâm lấy đi, khiến nỗi đau càng nhân lên, nhiều người hoang mang khi đến điều trị.

Sau thời gian điều trị, bệnh nhân và người nhà thường có thể trạng mệt mỏi, hay ngủ rất say khi về đêm. Chính yếu tố đó là cơ sở để tội phạm trộm cắp hoạt động. Lợi dụng điều đó, Hoàng Vũ Trung (2001, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) đã nhiều lần đột nhập BV Đà Nẵng thực hiện hành vi trộm cắp, lấy điện thoại của bệnh nhân và người nhà ở những khu nội trú. Theo đó, lúc 1 giờ 30 ngày 19-7-2019, Hoàng Vũ Trung đi dọc các hành lang của bệnh viện, tìm sơ hở của bệnh nhân đang điều trị với mục đích để trộm điện thoại. Đối tượng nhanh chóng lấy trót lọt 1 điện thoại Huawei ở tầng 4. Tiếp tục lên tầng 5, Trung phát hiện điện thoại Samsung A50 trên đầu giường của chị Lê Thị Linh (1983) nên lẻn vào lấy. Vừa thực hiện xong hành vi thì Trung bị phát hiện, tri hô nên bỏ chạy. Qua theo dõi camera, bảo vệ BV đã bắt giữ Trung khi đang trốn trong nhà vệ sinh và bàn giao cho CAP Thạch Thang (Q. Hải Châu) xử lý. Qua đấu tranh, Trung khai trước đó cũng đã thực hiện 5 vụ trộm trong vòng 1 tháng, lấy được 8 điện thoại di động tại BV Đà Nẵng, đem bán lấy tiền tiêu xài. Trong sáng cùng ngày, nhiều bị hại khác cũng đến thông báo vì cũng bị mất tài sản trong BV.

Ngoài việc lợi dụng sơ hở của người nội trú ở BV vào ban đêm, các đối tượng cũng “tranh thủ” thực hiện hành vi ở những khu vực tập trung đông đúc, người nhà và bệnh nhân chen lấn lúc nộp giấy tờ, nhận thuốc, làm thủ tục thanh toán viện phí… Mới đây, anh Lương Công Quân (1985, trú P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) suýt nữa mất điện thoại trong lúc đang đứng chờ mua thuốc tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Theo đó, vào ngày 2-8-2019, Trần Minh Thảo (1975, quê Tịnh Châu, H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) dẫn theo hai đứa con nhỏ đến BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng dàn cảnh trộm tài sản. Khoảng 8 giờ 45, nhân lúc đông người, đối tượng Thảo tiếp cận anh Quân, dùng chiếc áo khoác của mình che khuất xung quanh rồi móc túi quần anh Quân lấy trộm chiếc điện thoại Samsung S8 trị giá hơn 5 triệu đồng. Sau khi lấy được điện thoại, Thảo đưa cho đứa con trai 12 tuổi của mình cất giấu. Một khoảng thời gian sau, anh Quân phát hiện mất điện thoại nên đến CAP Khuê Mỹ trình báo. Qua điều tra, đến 13 giờ 30, Công an tiến hành bắt giữ Trần Minh Thảo và thu hồi tang vật.

Không để bệnh viện thành nơi dễ “kiếm ăn”

Do tâm lý chủ quan, mất cảnh giác nên nhiều bệnh nhân và người nhà để điện thoại, tài sản sơ hở khi ngủ, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Chính vì vậy nên nhiều đạo chích biến BV thành “mảnh đất màu mỡ”. Mặc dù đã 2 lần vào trại vì hành vi trộm cắp tài sản tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vào các năm 2013 và 2016 nhưng thấy đây là khu vực dễ “kiếm ăn” nên Trần Duy Khoa (1979, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn tiếp tục thực hiện khi ra trại.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 26-3-2019, đối tượng vào BV Đà Nẵng rồi trộm cắp điện thoại Samsung J7 trị giá 6 triệu đồng của anh Đặng Quang (1992, quê Quảng Ngãi) tại khoa Răng hàm mặt. Tiếp đó, Khoa lấy điện thoại Iphone 6 plus (màu đen) trị giá 11 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Huyền Trâm (1999, Hải Châu, Đà Nẵng) đang sạc pin ở đầu giường. Tuy nhiên, khi vừa bước ra khỏi cửa phòng thì Khoa bị phát hiện nên bỏ chạy khỏi bệnh viện. Đến trước nhà số 90-Lê Lai, thì đối tượng bị người dân bắt được, bàn giao cho CAQ Hải Châu xử lý.

BV là nơi có đông người lui tới nên các vụ việc như trộm cắp, gây rối ANTT vẫn thường xuyên xảy ra. Theo tìm hiểu, lực lượng Công an và bệnh viện đã có cảnh báo nhưng rất ít người lưu tâm. Để đảm bảo ANTT, lực lượng bảo vệ được đào tạo, huấn luyện kỹ càng các kỹ năng phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an toàn cho người dân và đội ngũ y bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh. Ngoài ra, các BV cũng nên đẩy mạnh thanh toán khám chữa bệnh bằng hình thức điện tử. Vừa tạo thuận tiện cho người dân, vừa đảm bảo không xảy ra tình trạng như móc túi, đột nhập BV để cắp tài sản. Bên cạnh đó, hệ thống camera an ninh cần được tăng cường, bố trí ở những nơi đông người ra vào như khu khám bệnh, khu nội trú và các hành lang.

BV mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bệnh nhân và người nhà ra vào, các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp trong BV thường có sự chuẩn bị và quan sát rất kỹ lưỡng nên công tác điều tra, thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc giữ gìn tài sản riêng, không chủ quan, tránh tạo điều kiện cho kẻ gian ra tay.

MAI VINH