“Cánh cửa hẹp” cho Hamas

Thứ sáu, 02/08/2013 11:02

(Cadn.com.vn) - Khi các cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt giữa Israel và Palestine đang có nhiều tiến triển, cộng đồng quốc tế cũng có cơ hội để gây sức ép buộc Hamas hòa giải với chính quyền Palestine.

Hamas dường như “đạt” đến điểm bị cô lập nhất kể từ khi nhóm giành quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, theo phân tích của báo CSMonitor.

Trên thực tế, việc Hamas thất bại trong nỗ lực xin nguồn viện trợ nước ngoài đang dẫn đến suy thoái kinh tế chưa từng có trong lịch sử Dải Gaza và đe dọa khả năng tổng thể của Hamas trong nỗ lực duy trì quyền cai trị tại khu vực này. Vì sự cô lập của Hamas, cộng đồng quốc tế có thể gây sức ép buộc Hamas hòa hoãn hơn đối với Israel và tái tham gia chính quyền Palestine.

BỊ CÔ LẬP TRÊN NHIỀU MẶT TRẬN

Đầu tiên, “động mạch chủ” kết nối Hamas với thế giới bên ngoài -hệ thống đường hầm buôn lậu mang nguồn viện trợ từ Ai Cập vào Gaza - đã bị cắt đứt hiệu quả.

Hôm 24-7, các quan chức LHQ nói rằng, quân đội Ai Cập phá hủy khoảng 80% tuyến đường hầm buôn lậu này. Sau khi lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào ngày 3-7, quân đội Ai Cập triển khai hàng trăm quân đến tuyến đường hầm này như là một phần của nỗ lực lập lại trật tự trên bán đảo Sinai. Việc đóng cửa đường hầm bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ở Gaza, gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và thiếu điện nghiêm trọng.

Người dân mua hàng hóa qua cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập.
Ảnh: AP  

Rõ ràng, việc ông Morsi bị lật đổ khiến Hamas mất đi một đồng minh quan trọng – Tổ chức anh em Hồi giáo (MBO) trong chính phủ của quốc gia đông dân nhất thế giới Arab. Sau cuộc bầu cử đưa ông Morsi lên nắm quyền cuối năm 2012, Hamas bắt tay với MBO, cải thiện quan hệ với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập Syria, và các tổ chức người Sunni Hồi giáo khác. Thay đổi chính sách này làm tổn hại mối quan hệ lâu dài của Hamas với người Shiite Iran và đồng minh - chế độ Tổng thống Assad ở Syria – khiến tổ chức này mất dần nguồn hỗ trợ tài chính và quân sự.

Mọi việc càng tồi tệ hơn khi tân Quốc vương Qatar Sheikh Tammim được cho là đang cân nhắc việc giảm viện trợ cho các hoạt động của MBO ở khu vực bên ngoài Ai Cập, trong đó có Hamas. Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng cho biết, vấn đề Gaza không còn ở mục ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Ankara.

3 LỰA CHỌN KHÓ KHĂN

Để cứu vãn tình hình này, các nhà lãnh đạo Hamas chỉ có 3 lựa chọn đầy khó khăn.

Thứ nhất là “hòa giải với Fatah và tái tham gia chính quyền Palestine”. Có thể, vai trò lãnh đạo Palestine sẽ trở thành chủ đề gây tranh cãi khi Hamas đạt thỏa thuận hòa giải với đảng Fatah và tái tham gia chính quyền Palestine. Nhưng, đó là giải pháp tốt nhất cho phe Hamas lúc này khi uy tín của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang lên cao trên trường quốc tế. Thứ hai là “tái cài đặt quan hệ với Iran” mặc dù Hamas hiện vẫn còn chia rẽ về việc có nên hướng đến Tehran.

Lựa chọn thứ ba là vấn đề có nhiều khả năng xảy ra nhất, đó là “khiêu khích Israel”. Kích động leo thang căng thẳng với Israel không khả thi trong điều kiện hiện nay, nhưng sẽ trở nên hợp lý khi Hamas càng bị cô lập. Trong quá khứ, Hamas từng sử dụng chiến thuật đối đầu với Israel để thu hút sự chú ý của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và dễ dàng mở phong tỏa của Israel.

Sau cuộc xung đột 8 ngày với Israel hồi tháng 12-2012, Hamas thành công trong việc mở rộng đánh bắt cá và khu nông nghiệp, như là một phần của thỏa thuận ngừng bắn tiếp theo. Nhưng rồi, có nên không khi một cuộc xung đột với Israel chắc chắn sẽ gây hậu quả đẫm máu cho người dân Gaza, thúc đẩy hơn nữa ngọn lửa thù hận và bất mãn.

Một “cánh cửa hẹp” cho Hamas, họ cần sáng suốt để giúp dẫn dắt người dân Gaza đến một tương lai thịnh vượng hơn, hỗ trợ nhiều cho thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, và mang lại thước đo cho sự ổn định của khu vực.

Khả Anh