Cảnh giác nạn “cáo 2 chân” mùa giáp Tết
Đặc biệt, trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Công an nhiều đơn vị, địa phương đã triệt phá nhiều ổ, nhóm đối tượng chuyên trộm cắp. Cụ thể, lúc 1 giờ ngày 23-11-2022, Công an phường Trường Xuân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bắt quả tang 2 đối tượng: Đoàn Xuân Trưởng (2001) và Đoàn Ngọc Ý (2008, cùng trú xã Tiên Thọ, H. Tiên Phước) có hành vi trộm cắp 15 con gà (tổng trọng lượng 31kg). Sau đó, cả hai đem đến nghĩa địa Gò Trời tập kết để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân thì bị bắt quả tang.
Hoặc trước đó, ngày 12-10-2022, Công an TP Tam Kỳ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Văn Kiếm (1986, trú P. Hòa Hương, TP Tam Kỳ) và Lê Văn Dũng (1990, trú P. An Sơn, TP Tam Kỳ) về hành vi: “Trộm cắp tài sản”. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, Trần Văn Kiếm, Lê Văn Dũng là hai đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản. Bản thân Kiếm, Dũng là người nghiện ma túy, vừa chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Để có tiền mua ma túy sử dụng, hai đối tượng bàn bạc rủ nhau đi dạo trên địa bàn Tam Kỳ tìm chỗ nào người dân để tài sản sơ hở sẽ trộm cắp để bán lấy tiền. Ngày 5-10-2022, Kiếm, Dũng đi ngang qua một công trình đang xây dựng tại P. An Phú. Phát hiện không có người trông coi tài sản, hai đối tượng đã đột nhập trộm cắp các thiết bị thi công tại đây đem bán lấy tiền.
Còn tại địa bàn H. Hòa Vang (Đà Nẵng), trong những ngày đầu tháng 12-2022, qua công tác tuần tra, Công an xã Hòa Châu (H. Hòa Vang) đã bắt quả tang 4 đối tượng thực hiện hành vi trộm 25kg gà của người dân trên địa bàn mang đi bán cho một đối tượng chuyên thu mua “hàng” trộm cắp tại chợ Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Đây là số ít trong những vụ trộm cắp đã và đang diễn ra tại các địa phương, hầu hết những đối tượng từ trộm cắp vặt đến chuyên nghiệp đều có một điểm chung là do nợ nần hoặc thiếu tiền tiêu xài. Xét về thủ đoạn phạm tội cũng rất đa dạng, từ “ăn quả lẻ” đến chuyên nghiệp, có tổ chức nên người dân khó bề cảnh giác. Về hành vi của những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp có thể kể đến thủ đoạn ban ngày giả vờ đi thăm bạn bè, đi buôn bán dạo để thăm dò đường vào, lối ra của từng ngõ xóm nhằm tiến hành đột nhập và thoát thân khi bị truy đuổi. Một thủ đoạn khác cũng thường được những tên trộm sử dụng hiện nay là ghi âm tiếng gà gáy vào ĐTDĐ. Muốn biết vị trí đặt chuồng gà nơi đâu, chúng chỉ việc cho chú gà điện thoại gáy để những chú gà thật gáy theo rồi ung dung đột nhập, thực hiện hành vi…
Tuy giá trị của mấy con gà không lớn song với những gia đình ở nông thôn là nguồn thu nhập đáng kể nhằm trang trải những chi phí trong dịp Tết đến. Do đó, ngoài việc tăng cường công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với loại tội phạm này của lực lượng CA và các cơ quan chức năng thì việc nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản là việc làm cần kíp của từng cá nhân, hộ gia đình đối với việc tự bảo vệ tài sản trong thời điểm hiện tại là vấn đề cần kíp, cấp bách.
Thiếu tá Huỳnh Ánh Viên- Trưởng Công an xã Đại Sơn (H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho hay, với những gia đình ở nông thôn, bầy gà thả vườn là “của để dành” trang trải 3 ngày Tết. Vì thế, trong những ngày giáp Tết, lực lượng Công an, dân quân cơ động ở địa phương tăng cường tổ chức tuần tra ban đêm để chống trộm.
M.T