Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới khi mua bán qua mạng

Thứ tư, 25/08/2021 10:06

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức  tạp, nhiều  địa phương thực hiện việc  giãn các xã  hội nên nhiều hoạt động buôn bán phải giao dịch thông qua mạng Internet. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng tội phạm công nghệ đã tung chiêu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, nhất phương thức lừa đảo mua hàng qua mạng. Mới đây, tại Bình Định và Lâm Đồng đã xảy ra 2 vụ lừa đảo chiếm  đoạt tiền với thủ đoạn  tinh vi thông qua việc mua bán trực tuyến.

Tin nhăn giả mạo trang thương mại điện tử Shopee gửi cho  chị T.

Trường hợp thứ nhất xảy ra tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), người bị hại là chị  Hồ Thị Hồng T. (trú phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) bị lừa chiếm đoạt mất 125 triệu đồng khi đăng nhập mua hàng trên một trang thương mại điện tử. Ngày 23-8, chị  Hồ Thị Hồng T. đến Công an phường Trần Phú trình bao về việc mình mua hàng qua mạng nhưng bị lừa mất 125 triệu đồng.

Theo trình báo của chị T, sáng 14-8, chị đăng nhập vào phần mềm của Shopee được cài săn trên điện thoại để mua  quần áo. Khi chị đang trao đổi với shopee về chất lượng món hàng mà mình muốn mua thì  có tin nhắn “@shopee-quatang-0010” với nội dung: “Quý khách đã nhận được 30 triệu đồng. Nếu muốn nhận tiền thì  nhấn vào đường link: htt://shopee.nhanquatang.vn”.

Ban đầu chị T có chút nghi ngờ, lâu nay đã rất có nhiều chiêu lừa dảo nhận quà như thế, tuy nhiên nhìn lại địa chỉ hết sức rõ ràng có tên của Shopee nên chị tin tưởng nhấp vào đường link. Khi nhấp vào đường link thì trang này yêu cầu cung cấp tên, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng và password của thẻ. Lúc này, chị T tiếp tục nhận tin nhắn tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của Shopee yêu cầu chị T cung cấp mã OTP của Ngân hàng để nhận tiền trúng thưởng. Chị T cung cấp  mã OTP, sau đó không lâu chị kiểm tra tài khoản ngân hàng không vào được thì biết mình đã bị lừa.

Chị T. lập tức liên hệ ngân hàng để khoá tài khoản thì lúc này ngân hàng trả lời là tài khoản của chị đã bị rút sạch trong vòng vài tiếng đồng hồ. Lần thứ nhất là 108.700.000 đồng, lần thứ hai là 10.000.000 đồng  và lần cuối cùng là 6.500.000 đồng . Đây là số tiền mà chị T dành dùm bao lâu nay.

Chị T. trình báo sự việc với cơ quan Công an.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Đạt- Phó trưởng Công an phường Trần Phú, thời điểm này rất nhiều người dân chọn mua hàng qua mạng để an toàn trong việc phòng chống dịch tại nhà. Mọi người ít ra các chợ mà chọn hình thức mua hàng trực tuyến, giao tận nhà. Tuy nhiên các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ thông tin, các trang mạng để lừa đảo. Thủ đoạn nhận quà thì không mới nhưng thủ đoạn giả các trang thương mại điện tử uy tín có đông đảo khách hàng để lừa đảo. Vì vậy người dân cần thận trọng khi nhận các tin nhắn nhận quà rồi cung cấp thông tin cá nhân của mình là đã sập bẫy của đối tượng lừa đảo qua mạng.

Một vụ lừa đảo khác với thủ đoạn cực kỳ tinh vi cũng vừa xảy ra trên địa bàn phường 1 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Trong vụ lừa đảo này, đối tượng “đứng cửa giữa”, vừa đóng vai người mua hàng, vừa đóng vai người bán hàng để lừa cùng lúc 2 người mà các nạn nhân không hề hay biết.

Cụ thể, tối 21-8, Đội Cảnh sát Trật tự thuộc Phòng CSQLHC về TTXH - Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận tin báo của một người dân về một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo trình báo của anh Hồ Nhật Huy (chủ cửa hàng điện thoại trên đường Hai Bà Trưng, phường 1, TP Đà Lạt), chiều hôm  đó, anh nhận được tin nhắn, cuộc gọi của một người muốn bán một chiếc máy tính bảng Ipad với giá 15 triệu đồng. Người này sẽ nhờ một người bạn của mình mang máy tới tận cửa hàng để anh Huy kiểm tra.

 Khoảng 19 giờ cùng ngày, anh Phạm Thế Lân (trú phường 9, TP Đà Lạt) mang một máy tính bảng tới cửa hàng của anh Huy để bán thì người đàn ông đã liên hệ trước đó liên tục hối thúc anh Huy chuyển tiền qua tài khoản. Anh Huy đã chuyển 15 triệu đồng cho đối tượng này sau khi kiểm tra máy. Tuy nhiên, đến lúc anh Lân đòi tiền ra về thì chủ cửa hàng mới vỡ lẽ mình đã bị lừa; đồng thời, trình báo sự việc lên cơ quan Công an.

Làm việc với cơ quan Công an, anh Lân cho biết, trước đó khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, anh có nhận được tin nhắn hỏi mua chiếc máy tính bảng của mình qua một trang rao vặt trên mạng. Người này hẹn anh mang tới cửa hàng anh Huy ở đường Hai Bà Trưng để kiểm tra trước khi mua. Anh Lân khẳng định người này và mình không có quen biết. Trước đó, anh cũng không trao đổi, nói chuyện gì với anh Huy, chủ cửa hàng. Đến khi sự việc vỡ lỡ, anh mới biết chính anh và chủ cửa hàng đã bị lừa trong vụ việc này.  Như vậy, với vai diễn vừa đặt mua sản phẩm trên mạng, rồi hẹn địa điểm giao hàng, vừa hẹn bán sản phẩm cho người khác, kẻ gian đã tạo ra một vở kịch hoàn hảo, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. 

Qua sự việc, người dân cần cảnh giác khi mua bán, trao đổi hàng hoá trên không gian mạng. Đặc biệt là việc xác nhận kỹ thông tin người bán, người mua và phương thức giao dịch an toàn để tránh bị kẻ gian lừa gạt.

LÊ GIANG – LÊ TIÊN