Cảnh giác thủ đoạn lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”

Thứ bảy, 23/07/2022 07:47
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người lao động bị kẻ xấu dụ dỗ sang Campuchia làm việc với mức lương cao. Nhưng thực chất, ở đây họ bị bóc lột sức lao động, buộc gia đình nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về nước. Mặc dù các cơ quan chức năng, báo chí thông tin rộng rãi, nhưng vì “nhẹ dạ cả tin” nên vẫn có nhiều người “sập bẫy”. 
Công an làm việc với đối tượng Duy.
Chị Trí (đứng giữa) bị mất tích khi sang Campuchia làm việc.

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến nhiều người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Do nhu cầu việc làm và nhận thức còn hạn chế nên họ bị kẻ xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc mức lương cao. Tuy nhiên, khi qua đây, người lao động bị đối tượng xấu bóc lột sức lao động, đánh đập, buộc đưa số tiền chuộc rất lớn mới thả về. Từ cuối năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Quảng Nam tiếp nhận 10 vụ việc người lao động “chui” sang Campuchia yêu cầu cần được giải cứu và mất tích.

Điển hình, ngày 1-3-2022, Công an huyện Tiên Phước tiếp nhận đơn trình báo của bà N.T.C. (trú xã Tiên Hà) về việc con trai bà là anh Trương Quang Hào đi TP Hồ Chí Minh từ ngày 16-2-2022, sau đó sang Campuchia làm ăn. Đến ngày 28-2, H. gọi điện về cho gia đình qua facebook messenger nói đang bị nhốt trong 1 căn phòng tại Campuchia không rõ địa chỉ. Những người này yêu cầu gia đình nộp 4.000USD mới cho về an toàn, nếu không sẽ bán cho chủ khác làm việc.

Ngày 7-1-2022 Công an huyện Thăng Bình tiếp nhận đơn trình báo của bà V.T.K.L. (trú xã Bình Quý) về việc con trai bà là V.P.H. đi là ăn tại Campuchia từ ngày 21-12-2021, đến ngày 6-1-2022, H. gọi điện về cho gia đình báo đang bị nhốt trong 1 căn phòng tại thị xã Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia) và yêu cầu gia đình nộp số tiền 59 triệu đồng thì mới cho về, nếu không phải ở đây làm việc.

Đầu tháng 7-2022, Công an huyện Thăng Bình tiếp nhận đơn trình báo của bà Nguyễn Thị Lan (trú xã Bình Minh, H. Thăng Bình) về việc: ngày 21-3-2022 con gái bà là Hoàng Thị Trí (2004) ra TP Đà Nẵng rồi qua Campuchia làm ăn đến nay vẫn chưa “hồi âm” về cho gia đình. Công an huyện Thăng Bình đã ra quyết định truy tìm chị Hoàng Thị Trí, đồng thời nghị Cục nghiệp vụ, Cục CSHS, Văn phòng cơ quan CSĐT – Bộ Công an; Công an các tỉnh, TP trên cả nước phối hợp truy tìm chị Trí.

Một nạn nhân từng bị lừa sang Campuchia làm việc tâm sự: “Qua mạng xã hội facebook, tôi quen biết với một người đàn ông giới thiệu sang Campuchia làm việc với mức lương 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Do đang thất nghiệp nên tôi đồng ý làm thủ tục theo người này sang Campuchia. Tại đây, họ bắt tôi làm nhiều công việc nặng nhọc 12 giờ/ngày nhưng không được nhận đồng lương nào. Tôi mong muốn về nhà thì yêu cầu phải nộp số tiền 3.000USD mới thả. Bị bóc lọt sức lao động quá mức, tôi đã liên hệ gia đình vay mượn chuyển đủ số tiền mới được “chuộc” về”.

Trước tình trạng địa bàn xảy ra nhiều vụ việc lừa người sang Campuchia làm việc, Phòng CSHS- Công an tỉnh Quảng Nam đã tăng cường công tác quản lý, điều tra và phát hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều đối tượng được giới thiệu, tổ chức nhập cảnh trái phép sang nước Campuchia làm việc. Sau thời gian tích cực điều tra, Phòng CSHS phối hợp với Công an huyện Quế Sơn đã bắt khẩn cấp đối tượng Trương Công Duy (1992, trú xã Quế Châu, H. Quế Sơn) để điều tra hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Công an làm việc với đối tượng Duy.

Qua điều tra xác định, đầu tháng 4-2022, Duy rủ rê 2 thanh niên cùng địa phương sang Campuchia làm việc cho Cty của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hiền (1989, cư trú tại Campuchia). Sau khi 2 thanh niên đồng ý, Duy liên hệ với Hiền tổ chức cho 2 người này qua Campuchia và nhận 20 triệu đồng tiền “môi giới”. Khi Duy và 2 thanh niên vào được địa phận Camphuchia thì được đón về Cty của Hiền. Sau đó, Duy được trả thêm 10 triệu đồng tiền công đưa người sang Campuchia, còn 2 thanh niên được đưa vào khu nhà ở của Cty Hiền. Trước đó, Duy và Hiền thỏa thuận, Duy đưa 1 người sang Campuchia, Hiền sẽ trả 5 triệu đồng tiền công.

Tại cơ quan Công an, Duy khai nhận: “Hiền hứa là khi giới thiệu, đưa được 1 người sang Campuchia thì tôi được trả 5 triệu đồng, do đó tôi đã dùng mạng xã hội đăng thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 800USD/tháng. Sau khi đăng bài, đã có thêm 5 người đồng ý và đã được đưa sang Campuchia. Tổng cộng tôi đã tổ chức đưa và giới thiệu 7 người sang Campuchia và nhận được 35 triệu đồng từ Hiền”.

Theo Đại úy Phạm Văn Tuấn - Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Nam, phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm là dùng mạng xã hội facebook, zalo đăng thông tin tuyển người thu nhập cao. Khi đăng ký xin việc thì đối tượng dụ dỗ, lôi kéo và đưa sang Campuchia làm việc. Sau khi qua đến Campuchia thì các nạn nhân bị bán vào các khu liên hợp để làm việc. Nếu không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng thì các nạn nhân sẽ bị nhốt, đánh đập, bỏ đói... và yêu cầu gọi điện thoại về cho gia đình nộp tiền vào tài khoản số tiền rất lớn mới cho về, nếu không sẽ bị bán, mổ nội tạng (thận)...

Qua các vụ việc trên, Công an tỉnh Quảng Nam khuyến cáo, qua các vụ việc trên, người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa sang Campuchia làm việc. Người lao động đi làm việc tại nước ngoài phải do các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền đứng ra tổ chức, đảm bảo quyền lợi.

L.VƯƠNG