Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cán bộ Sở Y tế lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ ba, 08/10/2024 07:45

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện thủ đoạn mạo danh Sở Y tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm vào đối tượng là chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng ăn. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn làm giả “Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm” của Sở Y tế rồi gửi qua Zalo cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng ăn… Hình thức mạo danh Sở Y tế này đã xuất hiện tại địa bàn tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum.

Văn bản giả mạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai.
Văn bản giả mạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai.

Thủ đoạn của các đối tượng là liên lạc với chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng ăn trên địa bàn tỉnh bằng hình thức gọi điện thoại và tự xưng là cán bộ Sở Y tế tỉnh rồi yêu cầu kết bạn qua Zalo để gửi thông báo Quyết định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Giám đốc Sở Y tế. Sau khi kết bạn Zalo, các đối tượng gửi một số hình ảnh có hình thức tương tự như văn bản của cơ quan Nhà nước nhưng đã được cắt ghép, chỉnh sửa với nội dung giả mạo về việc Sở Y tế tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng ăn trên địa bàn. Đồng thời, các đối tượng yêu cầu chủ cơ sở phải chuẩn bị các loại giấy tờ có liên quan đến việc hoạt động kinh doanh để phục vụ Đoàn kiểm tra.

Các đối tượng thường nhắm vào các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, bán đồ ăn sáng, dụ dỗ nạn nhân tải ứng dụng giả mạo Bộ y tế có tên boyte.cc về điện thoại cá nhân và hướng dẫn các bước thủ tục để lấy Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (trong mẫu điền có khai số CCCD, ngày cấp, số tài khoản ngân hàng...). Khi nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo này, điện thoại đã bị nhiễm độc. Khi đó, các đối tượng xấu trên có thể theo dõi và điều khiển chiếm quyền kiểm soát điện thoại của nạn nhân từ xa, bao gồm các hoạt động như chụp màn hình, tự động mở khóa, đọc tin nhắn,... Từ đó, các đối tượng tiến hành thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dùng và đánh cắp thông tin về tài khoản, mật khẩu hoặc mã OTP rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng trên điện thoại của nạn nhân.

Mới đây, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Công an tỉnh, sở, ngành liên quan và các địa phương thông báo về hành vi giả mạo văn bản của đơn vị. Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, thời gian qua trên mạng xã hội có xuất hiện và lan truyền văn bản “Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; có chữ ký và ghi tên lãnh đạo; đóng dấu tên Sở Y tế Gia Lai. Qua kiểm tra về thể thức và nội dung văn bản, Sở Y tế không ban hành văn bản trên và khẳng định đây là hành vi giả mạo văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có dấu hiệu lừa đảo. Để kịp thời ngăn chặn các hành vi trên, Sở Y tế đề nghị Công an tỉnh Gia Lai nắm thông tin, điều tra, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, giả mạo văn bản của cơ quan Nhà nước theo thẩm quyền. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần thông tin, tuyên truyền cho người dân và cơ sở kinh doanh thực phẩm biết về hành vi giả mạo trên, đồng thời nâng cao cảnh giác với các hành vi lừa đảo.

Tương tự, đối tượng lừa đảo cũng giả danh là cán bộ Sở Y tế tỉnh Kon Tum, tên là “Nguyễn Tuấn Anh” sử dụng các số điện thoại: 0923163181, 0912181560, 0818559543… để gọi điện cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để “thông báo kiểm tra” và gửi “Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm” Sở Y tế tỉnh Kon Tum qua Zalo. Tiếp đó, đối tượng hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện các bước như thủ đoạn đã nêu ở trên.

Trước thủ đoạn lừa đảo trên, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đề nghị người dân, nhất là các hộ kinh doanh cần hết sức cảnh giác, không thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng để tránh bị lừa đảo. Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, trước khi tiến hành kiểm tra theo kế hoạch các cơ quan chức năng đều thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp đến các cơ sở kinh doanh về thời gian, thành phần, nội dung kiểm tra và các loại giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh của cơ sở. Ngoài ra, thủ tục cấp các loại giấy tờ hiện nay đều được thực hiện trên cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc người dân phải đến liên hệ trực tiếp tại trụ sở cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Để tránh bị lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đề cao cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng cán bộ các cơ quan Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP…, không làm theo yêu cầu của các đối tượng hoặc chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng mà đối tượng đã cung cấp. Khi phát hiện đối tượng giả danh nêu trên, cần báo ngay cho Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Q.PHÚC