Cảnh giác thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng lừa vay tiền

Thứ hai, 01/04/2024 07:45
Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook vẫn thường xảy ra tình trạng đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng để giăng bẫy lừa tiền của người bị hại. Manh động hơn, một số đối tượng sau khi liên hệ qua mạng xã hội đã hẹn gặp trực tiếp “con mồi” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền với thủ đoạn mới và tinh vi.
Theo thông tin anh Th. cung cấp cho cơ quan Công an, đối tượng (trong vòng tròn) đã hẹn gặp để lừa đảo vay tiền vào ngày 19-3.
Theo thông tin anh Th. cung cấp cho cơ quan Công an, đối tượng (trong vòng tròn) đã hẹn gặp để lừa đảo vay tiền vào ngày 19-3.

Mới đây, anh Phạm Văn Th. (1992, trú TP Nha Trang, Khánh Hòa) cần vay tiền để trả nợ cho gia đình nên lên các trang mạng xã hội tìm kiếm thông tin các ngân hàng cho vay lãi suất thấp tại TP Nha Trang. Sau khi vào một đường liên kết được quảng cáo cho vay lãi suất thấp, anh Th. được một người tên T., tự xưng là nhân viên một ngân hàng thương mại có chi nhánh tại TP Nha Trang nhắn tin hứa giúp anh Th. vay tiền. Sau đó, T. hẹn gặp trực tiếp anh Phạm Văn Th. tại một quán cà-phê trên đường Yersin (TP Nha Trang) để thực hiện các thủ tục vay tiền. Tại đây, T. yêu cầu anh Th. tải ứng dụng (App) ngân hàng, đồng thời chụp ảnh căn cước công dân, cung cấp số điện thoại cá nhân để người này thực hiện các thủ tục cho vay tiền. Chưa đầy 5 phút sau, nam thanh niên thông báo cho anh Th. các thủ tục đã thực hiện xong, đồng thời cho biết sẽ được ngân hàng giải ngân khoản vay gần 10 triệu đồng trong khoảng 1 giờ và sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của anh Th.Thế nhưng, khi về đến nhà, qua kiểm tra hợp đồng vay trên App, anh Th. không thể ngờ rằng, khoản vay mặc dù đã được giải ngân nhưng tiền không được gửi về tài khoản của anh. Lúc này, anh Th. mới tá hỏa nhận ra mình đã bị lừa đảo nên đến cơ quan Công an trình báo.

Theo trình bày của anh Th., quá trình gặp trực tiếp, nam thanh niên đã cầm điện thoại của anh và khi có mã OTP của ngân hàng gửi về xác thực trên ứng dụng Mobile Banking, đối tượng chỉ cần nhập mã OTP lên App ngân hàng đã được cài song song trên điện thoại của đối tượng. Do đó, số tiền giải ngân thay vì chuyển vào tài khoản của anh Th. lại chuyển trực tiếp đến tài khoản của đối tượng. Mặc dù anh Th. đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của ngân hàng đề nghị khóa tài khoản của đối tượng lừa đảo, nhưng đối tượng lừa đảo đã chuyển sạch số tiền gần 10 triệu đồng đến các tài khoản khác từ trước. Ngoài việc bị lừa khoản tiền kể trên, anh Th. còn bị đối tượng sử dụng số điện thoại, lấy thông tin cá nhân từ thẻ căn cước công dân, số điện thoại… để vay tiền qua App với lãi suất “cắt cổ”. Cụ thể, đã có đến 3 khoản vay được đối tượng kích hoạt trên các App vay tiền trên mạng.

Tương tự, ông Trần T. (1978, trú TP Nha Trang) cũng cần vay tiền và được một nam thanh niên tự xưng là nhân viên một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP Nha Trang hẹn gặp để tiến hành các thủ tục vay tiền. Khi gặp trực tiếp, ông T. phát hiện đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn, do đó đã chủ động không cho người này cầm điện thoại để tiến hành đăng nhập vào các App vay tiền trên mạng. Theo thông tin của ông T., đối tượng này có nhiều điểm nhận dạng trùng khớp với đối tượng đã lừa anh Th. trước đó.

Theo cơ quan Công an,trước đây chỉ xuất hiện số đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Còn việc gặp trực tiếp khách hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân như nêu ở trên là mới và tinh vi. Do đó, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với những chiêu thức nêu trên của tội phạm, đồng thời khi bị lừa tiền cần sớm trình báo để lực lượng chức năng vào cuộc xác minh, đồng thời truy bắt các đối tượng lừa đảo để đưa ra xử lý trước pháp luật.

K.H