Cảnh giác tình trạng lừa đảo nhắm đến người già, người bệnh

Thứ tư, 23/12/2020 14:00

Từ tháng 10-2020 đến nay, Cơ quan CATP Quy Nhơn (Bình Định) nhận 12 đơn báo cáo  của các bị hại bị lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại. Đáng nói càng vào thời điểm cuối năm, số vụ lừa đảo lại càng có dấu hiệu gia tăng. Khác với những lần trước, lần này đối tượng nhằm vào những người già, người bệnh để lừa đảo, hành vi này càng gây bức xúc cho người dân. 

Một nạn nhân bị lừa đến cơ quan Công an trình báo.

Giữa tháng 12-2020, Công an TP Quy Nhơn nhận tin báo của bà Trần Thị Hoa (80 tuổi, trú TP Quy Nhơn) về việc bị lừa 800 triệu đồng. Một số tiền quá lớn đối với gia đình bà Hoa và đây cũng là số tiền để vợ chồng bà Hoa dưỡng già. Theo người bị hại trình bày, đối tượng lừa đảo gọi điện thoại tự xưng là công an, phát hiện số CMND của bà Hoa  đã vay tiền để mua bán ma túy, hành vi này là nguy hiểm nếu không quản lý tài sản sẽ bị xử lý. Từ đó, đối tượng  yêu cầu bà Hoa bí mật phối hợp cơ quan điều tra bằng cách rút tất cả tiền trong sổ tiết kiệm, sau đó chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp, sau khi điều tra xong sẽ hoàn trả tiền đầy đủ. Bà Hoa sợ già lại vướng vào vòng lao lý,  lập tức rút hết số tiền 800 triệu đồng bao nhiêu năm tích cóp chuyển đi, nhưng chờ mãi không thấy trả lời mới trình báo Công an Quy Nhơn. Từ khi nhận điện thoại đến khi chuyển tiền bà Hoa không hề nói với ai phần vì sợ người ta biết sẽ cười chê mình phần vì các đối tượng lừa đảo cũng yêu cầu giữ tuyệt đối bí mật. Thực tế, thủ đoạn này không mới nhưng với một người già như bà Hoa, với các thủ đoạn khá tinh vi khiến bà tin mà rơi vào thủ đoạn đối tượng lừa đảo.

Đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn để đưa bị hại vào tròng. Tùy người mà bọn chúng áp dụng chiêu trò khác nhau sao cho mới nghe qua thật hợp lý, thậm chí bọn chúng còn lừa của những người bị bệnh hiểm nghèo. Đầu tháng 12 vừa qua, chị Trương Ngọc Hoa, ở phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn 1 ngày nhận hơn chục cuộc điện thoại của người quen nhằm xác nhận lại thông tin chị có gửi tin nhắn messenger để mượn tiền không. Đến lúc này chị Hoa mới biết facebook cá nhân đã bị kẻ gian hack. Đối tượng biết chị bị bệnh nên nhắn tin messenger cho tất cả bạn bè trên facebook của chị, với cùng 1 nội dung là cần mượn 7 triệu đồng, chuyển vào tài khoản của bác sĩ để điều trị. 2 người bạn của chị không chút nghi ngờ, đã lập tức chuyển khoản với tổng số tiền bị lừa là 11 triệu đồng.

Đáng chú ý lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng đã giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế,... có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Nội dung thư yêu cầu bị hại tải tệp tin đính kèm hoặc các liên kết trong thư điện tử để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại mở tệp tin, truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó.

Trung tá Nguyễn Tiến Dũng- Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự CATP Quy Nhơn khuyến cáo: Khi gặp những trường hợp mượn tiền, chuyển tiền, tự xưng là Công an hay đối tượng gửi các đường link yêu cầu gửi mật khẩu, tài khoản ngân hàng thì người dân phải hết sức thận trọng đồng thời báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

LÊ GIANG