Cảnh giác với các chiêu trò  lừa đảo

Thứ ba, 06/09/2022 06:42
Một tuần nay, người dùng mạng xã hội Facebook và Zalo trên địa bàn tỉnh Kon Tum lan truyền thông tin về việc có 2 đối tượng giả danh nhà sư đi bán nhang và dùng chiêu trò thôi miên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Sự việc trên được chị T.L.P (trú P. Trường Chinh, TP Kon Tum), một trong những nạn nhân bị lừa đảo đăng tải, sau đó, được nhiều người chia sẻ. Qua xác minh ban đầu,  cơ quan Công an địa phương xác định thông tin về vụ việc trên là có cơ sở nên đã có  thông báo đề nghị người dân cảnh giác.
Một tài khoản Zalo bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt, gửi tin nhắn mượn tiền những người thân quen của chủ tài khoản.
Một tài khoản Zalo bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt, gửi tin nhắn mượn tiền những người thân quen của chủ tài khoản.

Theo chị T.L.P, ngày 27-8-2022, khi chị đang ở nhà thì có 2 người mặc áo nâu (như nhà sư) đến hỏi thăm. Khi chị P. mới mở cửa ra thì một trong hai đó nói nóng liền dùng quạt, quạt vào người và mặt chị. Chỉ ít phút sau, chị P. như vô thức, không biết gì và chỉ nghe theo lời của hai người này. Tiếp đó, họ dùng các thủ đoạn cúng bái, rồi yêu cầu chị bỏ tiền cúng dường. Chị đã đưa cho 2 đối tượng 2 triệu đồng rồi sau đó cả hai lên xe bỏ đi. Khi tỉnh lại, chị P. mới biết mình bị lừa nên đuổi theo thì phát hiện 2 đối tượng đang cởi áo nhà sư thay áo khoác. Thấy từ xa, chị hô to thì 2 đối tượng bỏ chạy nên chị P. đến cơ quan Công an trình báo.

Đây là chiêu trò mới của các đối tượng lừa đảo, chúng dùng thủ đoạn như “thôi miên” khiến nạn nhân như vô thức, không điều khiển được hành vi của mình mà cứ thế thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng. Vì vậy, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với chiêu trò này.

Khác với chiêu trò lừa đảo như trường hợp của chị T.L.P, chiêu trò giả danh facebook và zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn được các đối tượng sử dụng. Các đối tượng lập và làm giả Facebook hoặc Zalo cùng tên của người thân, sau đó lấy hình ảnh của người thân, quen làm ảnh đại diện, sau đó nhắn tin mượn, vay tiền. Mặc dù thủ đoạn này đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội nhưng có không ít người vẫn bị lừa. Đơn cử như trường hợp của anh T.L (trú H. Đắk Tô, Kon Tum) bị một đối tượng dùng chiêu trò này lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Theo lời kể của anh L., anh thấy zalo của một người anh (có ảnh) nhắn tin hỏi thăm và nói đang có việc cần 4-5 triệu đồng giải quyết công việc gấp hôm sau gửi lại. Lý do được đưa ra là do tài khoản ngân hàng bị lỗi, không rút được mà công việc lại cần gấp. Sau đó, người này nhờ chuyển vào số tài khoản khác. Thế là một phần do công việc bận, một phần cũng tin tưởng nên anh L. cũng không để ý và nghi ngờ gì và đã thực hiện thao tác chuyển tiền vào tài khoản mới. Chỉ vài tiếng sau, anh L. thấy người anh đó thông báo zalo anh bị hack đề nghị anh em bạn bè cẩn trọng. Lúc này, anh L. mới biết là mình đã bị lừa.

Để phòng tránh, không bị “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, người dân cần đề cao cảnh giác, nhất là không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định mà chưa rõ; đồng thời, cần tỉnh táo, xác minh từ người thân, bạn bè khi có đề nghị vay mượn tiền, chuyển tiền không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước những hình thức mạo danh, lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi, người dân cần tỉnh táo. Đặc biệt, khi phát hiện các đối tượng nghi ngờ cần bình tĩnh, tìm cách thông tin và báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan công an để bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.

K.T