Cảnh giác với dịch bệnh mùa hè

Thứ tư, 11/05/2022 11:09
Hiện nay, Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang bước vào mùa nắng, ca mắc sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Để ngăn chặn dịch lây lan rộng, ngành Y tế khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. 
Ngành Y tế khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ để hạn chế sự lây lan của các loại dịch bệnh.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ để hạn chế sự lây lan của các loại dịch bệnh.

Tăng bệnh nhân mắc tay chân miệng

TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da...

Thời gian qua, trung bình mỗi ngày, khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tiếp nhận 20 bệnh nhân bị TCM. Đa số bệnh nhân nằm trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi. Anh H.V (trú Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho hay, 3 ngày trước, thấy con trai có triệu chứng bỏ ăn, sốt nhẹ và lưỡi bị lở nên anh vội đưa con đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Rất may là nhờ phát hiện và điều trị kịp thời nên hiện bệnh của cháu đã có dấu hiệu thuyên giảm nhưng bác sĩ nói vẫn cần phải ở lại để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh - Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, bệnh TCM ở trẻ thường xuất hiện và có nguy cơ bùng phát vào hai thời điểm trong năm gồm: từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11. Bệnh diễn tiến rất nhanh theo giờ nên rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hiện khoa Y học nhiệt đới đang thu dung, điều trị nội trú 120 bệnh nhi bị TCM. Số ca mắc TCM cũng có dấu hiệu tăng trong hai tuần gần đây.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, bệnh TCM hiện đang bước vào mùa, toàn địa bàn Đà Nẵng đã ghi nhận hàng trăm ca mắc. Trong số các ca bệnh, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 97,7%. Các ca mắc xuất hiện hầu hết ở 7 quận, huyện nhưng tăng cao ở quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Để tránh ảnh hưởng đến tính mạng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay khi thấy các triệu chứng, như: Bóng nước hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống, bú ít và chảy nước bọt nhiều); bỏng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, cùi chỏ, gối.

Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho hay, để ngăn ngừa bệnh TCM bùng phát mạnh, Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh đơn lẻ, ổ dịch tại địa phương; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để truyền tải thông tin, thông điệp, các biện pháp phòng chống đến người dân. Tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các biến chứng nặng và tử vong liên quan đến bệnh TCM. Tại các trường học, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục cần trang bị đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng để người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng. Chỉ đạo tổ chức làm sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học, bề mặt bàn, ghế, đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục và thông báo ngay với y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Bên cạnh bệnh TCM, bệnh SXH cũng đang có dấu hiệu xuất hiện tại Đà Nẵng. Hiện số bệnh nhân mắc và ổ dịch SXH nhỏ đang có xu hướng tăng nhanh. Tính đến 29-4, toàn TP ghi nhận 1.109 trường hợp mắc, 95 ổ dịch nhỏ. Số ca mắc, ổ dịch nhỏ xuất hiện ở một số địa phương có nhiều công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên lưu trú tại các nhà trọ, khu tập thể.

Để ngăn chặn việc lây lan rộng, mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. UBND TP yêu cầu các quận huyện huy động các ban ngành, tổ chức phối hợp ngành Y tế triển khai hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn, đảm bảo tất cả các hộ gia đình nguy cơ cao phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy. Đồng thời, rà soát, xử lý triệt để các ổ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi tại các công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nơi tập kết lốp xe, đồ phế thải... Có biện pháp xử lý đối với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị công trình, khu vực trên địa bàn liên tục phát hiện dụng cụ chứa lăng quăng, bọ gậy.

Các xã phường cung cấp bản đồ chi tiết đến thôn, tổ dân phố, tuyến đường cho các trạm y tế để xác định kịp thời, chính xác, xử lý hiệu quả các khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn quản lý. Vận động người dân chủ động loại bỏ các ổ chứa lăng quăng, bọ gậy, phòng ngừa muỗi đốt và phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, đặc biệt tại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Đảm bảo bệnh nhân được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh quá tải bệnh viện. Đồng thời, chủ trì, phối hợp giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại các địa phương. Tổ chức phun hóa chất các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, nguy cơ cao, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số vector trước và sau phun để có chỉ định phun phù hợp.

Sở GD&ĐT, các trường đại học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tuyên truyền tại các trường hợp về biện pháp phòng chống bệnh SXH. Huy động giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động phòng chống SXH tại trường và địa phương cư trú theo hướng dẫn của ngành Y tế, thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý.

Thành Danh