Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa
(Cadn.com.vn) - Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Đà Nẵng dù đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Bởi, mùa mưa đang đến gần, là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển mạnh...
Giảm nhưng còn phức tạp
Theo Sở Y tế thành phố, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 800 ca mắc bệnh SXH, không có ca tử vong, trong đó 3 tháng đầu năm là giai đoạn đỉnh điểm với gần 600 ca... Hiện tại, dù số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Y học Nhiệt đới - BV Đà Nẵng, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng giảm nhiều so với đầu năm nhưng vẫn có nhiều trường hợp bệnh diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác điều trị. Nguyên nhân chính là do người bệnh chủ quan, tự mua thuốc uống và nhập viện muộn, khi bệnh đã trở nặng, tiểu cầu giảm xuống quá thấp, chảy máu cam, chân răng và tụt huyết áp dẫn đến trụy mạch.
Chị Bùi Thị Phú (1981, trú Q. Liên Chiểu) đang chăm sóc con gái 4 tuổi bị SXH tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết: “Thấy con nóng sốt nên tôi đã đi mua thuốc về cho uống. Mấy ngày đầu cũng thấy đỡ nhưng càng lúc càng nặng nên vội đưa đến đây để điều trị cho an toàn. Khu vực chúng tôi sinh sống có nhiều bụi rậm, cống rãnh tù đọng nước nên muỗi rất nhiều, cứ buổi tối khi điện sáng là chúng bay vào đầy nhà. Dù đã dùng nhiều cách để ngăn chặn nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Hàng xóm tôi cũng có người mắc bệnh theo con nên hiện tại tôi rất lo lắng trước nguy cơ mình cũng có thể rơi vào trường hợp đó. Con đã nằm viện mà mẹ đau nữa thì...”.
So với trẻ em, biểu hiện bệnh ở người lớn có một số điểm khác. Đa phần bệnh nhân đều có dấu hiệu nóng lạnh, sau đó sốt cao kèm đau đầu, nôn ói hoặc tiêu chảy. Khi đã mắc bệnh, trẻ em dễ bị sốc, trụy tim mạch, trong khi đó, người lớn thường bị xuất huyết. Do chưa có vaccine ngừa bệnh cũng không có thuốc đặc trị, cho nên ngăn muỗi đốt, đến bệnh viện khám khi bị sốt kéo dài vẫn là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, nhằm tránh các nguy cơ sốc cao. Chị Nguyễn Thị Tám (1985, trú Q.Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Cứ nghĩ trẻ em mới mắc bệnh này nên lúc đầu thấy trong người ớn lạnh và sốt nhẹ cứ nghĩ bị cảm, chỉ chạy ra tiệm mua thuốc về uống mà không đi khám. Đến khi toàn thân mệt lả, tiêu chảy liên tục, buồn nôn và mê man thì mới nhập viện.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm máu cho thấy tôi bị SXH cấp độ 3. May mắn là đến bệnh viện sớm chứ nếu trễ không biết tính mạng sẽ ra sao nữa. Lần sau nếu có những triệu chứng như thế chắc phải đến bệnh viện ngay chứ không dám chủ quan nữa...”. Cùng cách nghĩ với chị Tám là anh Ngô Văn Phúc (1985, trú H. Hòa Vang). Theo anh Phúc, ban đầu thấy người có biểu hiện sốt cao, đầu óc xây xẩm, người mệt mỏi nên tự đi mua thuốc hạ sốt về uống. Vậy nhưng, càng lúc thấy bệnh càng trở nặng nên đến BV khám và các bác sĩ chẩn đoán là bị SXH. “Thật sự tôi rất bất ngờ và lo lắng. Không biết hai đứa con nhỏ ở nhà có bị tôi lây bệnh qua không nữa. Tôi cũng thuộc người kỹ tính nên chuyện vệ sinh tôi cũng làm rất tốt, không hiểu sao bệnh lại “bám” vào người mình. Tại khu vực tôi sinh sống có người cũng vừa nhập viện tiếp vì SXH. Hơn nữa, mùa mưa đang đến gần, điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng nhanh...”, anh Phúc lo lắng.
Khi có các triệu chứng như sốt liên tục, nôn mửa, đi ngoài nhiều lần thì sớm đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. |
Cần sự chung tay của toàn xã hội
SXH là loại bệnh truyền nhiễm có sức lây lan mạnh. Bệnh được lây vào con người thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Do đó, khi gặp điều kiện thuận lợi, nhất là vào mùa mưa, cống rãnh tù đọng nước, muỗi sinh trưởng nhanh thì dịch bệnh càng bùng phát nhanh. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, đặc biệt tập trung vào đối tượng chính là trẻ em do khả năng đề kháng của cơ thể các em còn yếu. Người nhiễm bệnh SXH thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2 - 7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt... Kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng. Bệnh SXH hoàn toàn có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, rất dễ gây ra tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời...
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa cao điểm, ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh SXH của các cấp, các ngành, mọi người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng ngay tại nhà, khu dân cư, trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; vệ sinh môi trường xung quanh, ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước... nhằm cắt đứt môi trường sinh sản của mỗi vằn. Ngoài ra, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp và tử vong ở loại bệnh truyền nhiễm SXH, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, nôn, đi ngoài nhiều, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn... và sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị kịp thời...
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết: “Trung tâm đã triển khai phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 180 tổ dân phố trên địa bàn 4 phường: Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn), Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu), Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu), Xuân Hà (Q. Thanh Khê) và đã phối hợp ra quân diệt bọ gậy/lăng quăng tại 915 tổ dân phố thuộc 6 quận trên địa bàn thành phố. Bên cạnh việc chủ động phòng dịch thì việc giám sát 100% các ổ dịch nhỏ, xử lý triệt để cũng được chú trọng nhằm tránh lây lan sang khu vực khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn, đào tạo các kỹ năng về phòng chống bệnh mùa mưa, vệ sinh môi trường, phun hóa chất cho nhân viên y tế, cán bộ xã, phường... Hiện tại, trung tâm tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện các ca bệnh sớm trong vòng 48 giờ, đảm bảo 100% ca bệnh đều được theo dõi. Tuy nhiên, để dịch bệnh được kiềm chế và đẩy lùi một cách hiệu quả nhất thì không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng mà cần sự chung sức của cộng đồng trong công tác chủ động phòng chống dịch...”.
Trí Dũng