Cảnh giác với sổ tiết kiệm, hồ sơ tín dụng giả

Thứ hai, 08/11/2021 07:30

Gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo tình trạng một số doanh nghiệp giả năng lực tài chính để được phê duyệt đầu tư, trúng thầu, triển khai thực hiện dự án... là hành vi rất nguy hiểm. Hậu quả của hành vi này, là dự án được mua đi, bán lại lòng vòng, không được triển khai... đã ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chứng thư bảo lãnh của ngân hàng HSBC và quyết định bổ nhiệm được Đoàn Thị Vy làm giả để qua mặt các cơ quan chức năng tại H. Điện Bàn (cũ), Quảng Nam.

Theo tìm hiểu, để thực hiện hành vi này các đối tượng bắt đầu từ công việc “lội” trên mạng tìm những địa chỉ làm các loại tài liệu, giấy tờ giả để đặt hàng. Nội dung được bên mua cung cấp và bên thực hiện dịch vụ chịu trách nhiệm tìm hiểu về con dấu, lo-go, chữ ký người có thẩm quyền của ngân hàng hoặc chính quyền sở tại để in ấn các loại giấy tờ giả nội dung được ngân hàng cam kết cấp hạn mức tín dụng lên đến hàng ngàn tỷ đồng hoặc xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thoạt nhìn, khó có thể phát hiện đây là đồ giả và những giấy tờ trên sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, tùy thuộc vào người sở hữu.

Gần đây nhất là vào ngày 28-10-2021, Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đã khởi tố, bắt giam Mai Thị Lan để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cơ quan điều tra, bà Lan không có nghề nghiệp ổn định nhưng tự nhận mình đang công tác tại Bộ Công an và có khả năng xin việc.Tại cơ quan công an, Mai Thị Lan khai nhận đã lên mạng đặt làm giả 3 cuốn sổ tiết kiệm với số dư mỗi sổ lên tới 200 tỷ đồng để làm công cụ lừa đảo. Cùng với đó, Lan thường xuyên chia sẻ hình ảnh, thông tin liên quan đến “vỏ bọc giả” là “đại tá công an” lên mạng xã hội để tạo niềm tin. Bằng thủ đoạn trên, Lan thông báo có thể xin việc hộ để lừa của nhiều người, chiếm đoạt số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Với “siêu lừa” Đoàn Thị Vy (1968, trú P. Vỹ Dạ, TP Huế, Thừa Thiên-Huế), nhiều người vẫn chưa hiểu bằng thủ đoạn nào để thị có thể chiếm đoạt số tiền hơn 23 tỷ đồng của Công ty Lộc Sơn Hà miền Trung xảy ra vào năm 2018. Theo tìm hiểu, hành trình lừa đảo của Đoàn Thị Vy bắt đầu từ năm 2007. Để thực hiện ý đồ, Vy thuê người làm giả Quyết định của Chủ tịch HĐQT Công ty Union Project Finance (Anh quốc) bổ nhiệm Đoàn Thị Vy giữ chức giám đốc chi nhánh Công ty Đầu tư tài chính dự án Toàn Phát Group Việt Nam, với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng và chứng thư bảo lãnh của ngân hàng HSBC cho Cty Toàn Phát với số tiền là 500 triệu USD. Từ hồ sơ giả mạo này, Vy đã được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2005-2010) duyệt trúng thầu nhiều dự án về đất đai. Hậu quả là những dự án trên được bán “trao tay” cho nhiều nhà đầu tư khác nhau và không thể thực hiện.

Cũng với thủ đoạn đó, năm 2013, Đoàn Thị Vy đến H. Điện Bàn (nay là TX Điện Bàn, Quảng Nam xin cấp phép thực hiện dự án KDC mới 2A (thuộc địa bàn P. Điện Ngọc). Theo đó, Vy bổ nhiệm ông Vương Văn Cư (trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) giữ chức Phó tổng giám đốc chi nhánh Công ty Đầu tư tài chính dự án Toàn Phát Group Việt Nam. Tin tưởng vào những hồ sơ giả mạo do Đoàn Thị Vy cung cấp, tháng 1-2014, UBND H. Điện Bàn đồng ý giao diện tích 37,5ha đất cho Vy-Cư thực hiện dự án… Thế nhưng, khi được giao đất nhưng không tìm được “đối tác” để chuyển nhượng nên Cty Toàn Phát đã tự động… rút lui. Dù chưa gây hậu quả xấu song cũng để lại những hệ quả khác là dự án bị kéo dài, đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.

Để chiêu lừa như trên không phát huy được tác dụng, các cơ quan chức năng và cá nhân mỗi người cần nâng cao cảnh giác trước khi tiến hành giao dịch hoặc có những biện pháp khác nhằm ngăn chặn… để tránh những hậu quả xấu.

M.T