Cảnh giác với tình trạng trẻ hóc dị vật đường thở

Thứ ba, 25/11/2014 10:40

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tiếp tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị hóc dị vật đường thở nguy kịch đến tính mạng. Tác nhân gây dị vật đường thở ở trẻ rất đa dạng, có thể là hạt đậu phụng, mãng cầu, hạt nhãn, hạt dưa hay mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, thậm chí là các mảnh đồ nhựa của trẻ ở nhà.

Theo bác sỹ phòng Hồi sức nhi - Bệnh viện Phụ sản - Nhi thì dị vật đường thở là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp nặng, nguy hiểm lập tức đến tính mạng của trẻ, hoặc nếu dị vật không gây nguy hiểm tức thời, biến chứng có thể bị lầm tưởng sang các bệnh viêm phổi, viêm họng thông thường, kéo đến tình trạng trẻ bị ngưng thở gây di chứng nghiêm trọng cho não, có thể gây suy hô hấp. Lứa tuổi thường gặp nhất là 6 tháng-4 tuổi...

Cháu bé bị hóc dị vật đường thở được BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cấp cứu kịp thời. 

Theo bác sỹ Võ Hữu Hội-Phòng Hồi sức Nhi (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) nếu thấy trẻ có biểu hiện ho sặc sụa ngay sau khi ăn thì cần phải nghĩ tới dị vật đường thở. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ bị sặc, đó là "hội chứng xâm nhập" như trẻ đang ăn, đang chơi đột ngột ho sặc sụa, mặt tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức. Hội chứng này có thể chỉ kéo dài một vài phút thì hết do dị vật đã di chuyển sâu vào bên trong đường thở gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn.

Tuy nhiên, sau khi vào sâu vào trong đường thở, tùy thuộc vào vị trí mắc kẹt dị vật mà trẻ có các biểu hiện khác nhau: nói khàn, thở rít, thở khò khè và khó thở (dị vật hạ thanh quản, khí quản); ho và thở khò khè, ho ra máu, khó thở, nghẹt thở, suy hô hấp, thở yếu, sốt và tím tái (dị vật phế quản). Đáng nói là có khoảng 25 - 50% trẻ bị dị vật đường thở không có biểu hiện ra bên ngoài hoặc không được chẩn đoán trong vòng 24 giờ, phần lớn các trường hợp này là do dị vật ở phế quản lớn và phế quản nhỏ.

Sau khi biểu hiện hội chứng xâm nhập ngắn, trẻ có thể trở lại bình thường trong nhiều giờ nên cha mẹ ít để ý. Sau đó các dấu hiệu của phế quản, viêm phổi, áp xe phổi do dị vật có thể xuất hiện như: sốt cao, ho khan, ho máu, ho có đờm và mủ, khó thở tăng dần, suy hô hấp, tím tái… Nếu không biết trẻ bị sặc, khi trẻ có biểu hiện ho và sốt thì cha mẹ thường chủ quan không đưa trẻ đi khám sẽ làm bệnh tiến triển nặng thêm.

Tác nhân gây dị vật đường thở ở trẻ.

"Phụ huynh hãy luôn cẩn thận khi cho trẻ ăn các thực phẩm có hạt dễ gây hóc và khi trẻ đang cười hoặc khóc thì tuyệt đối không cho trẻ ăn vì đây là thời điểm trẻ dễ bị hóc dị vật nhất. Đồng thời, tránh cho trẻ bỏ vào miệng những đồ chơi. Việc dị vật vào đường thở có thể gây suy hô hấp nặng, nguy hiểm lập tức đến tính mạng của trẻ, hoặc nếu dị vật không gây nguy hiểm tức thời, biến chứng có thể bị lầm tưởng sang các bệnh viêm phổi, viêm họng thông thường, kéo đến tình trạng trẻ bị ngưng thở gây di chứng nghiêm trọng cho não. Nếu nghi ngờ trẻ bị mắc dị vật đường thở, người lớn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời", bác sỹ Hội khuyến cáo.

T.Dũng