Canh rau tập tàng...

Thứ hai, 31/05/2021 16:03

Nhận mấy cái phiếu đi chợ "luân phiên" từ tay bác khối phố trưởng, tự dưng trong tôi lại càng cồn cào nhớ mẹ, nhớ mảnh vườn xinh xắn đầy các loại rau xanh mướt ở quê nhà.

Rau tập tàng.

Đi làm ở thành phố này, mọi thứ sinh hoạt hằng ngày đều theo... phố. Thỉnh thoảng cuối tuần tôi tranh thủ về quê và thỏa thích được cùng mẹ ra vườn ra đồng. Tinh khôi giọt sương mai trên lá, hay cơn gió trưa mát rượi, rồi chiều hoàng hôn trên đồng...  là bao điều tôi thích thú. Giữa những ngày rất "căng" vì đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư này, các khuyến cáo "5K", "hạn chế đi lại", "giãn cách xã hội"… nên tôi không thể về nhà cuối tuần với mẹ. Dù không phải khan hiếm thực phẩm giữa thành phố này nhưng tôi vẫn nhớ, vẫn thích các món ăn quê nhà. Và lạ thay, giữa tiết trời mùa hạ nắng nóng, tôi ước gì có bát canh nấu tôm sông với mớ rau tập tàng trong vườn nhà mẹ.

Những sáng mai mùa hạ, mẹ ra vườn và loáng một tí đã có rổ rau tươi non đủ các loại. Mẹ bảo rau cũng tùy theo mùa, nhưng chung quy lại vẫn là rau dền đỏ, mã đề, mùng tơi, sâm, sam, lá lốt, lang, muống, bồ ngót... đủ các sắc màu theo từng loại rau. Tôi thắc mắc cái tên rau "tập tàng", mẹ bảo đó là cái tên "chung" cho nhiều loại rau cùng nấu một món canh. Đơn giản vậy thôi, nhưng mỗi loại rau mỗi vị "hương" khác nhau và tô canh tập tàng là mùi thơm "tổng hợp" của mùi hương vị đó và cả màu sắc nữa. Rồi mẹ bảo vào mùa nắng nóng, có bát canh rau tập tàng là vị thuốc "hạ nhiệt số một" khó có gì sánh bằng. Rau tập tàng dễ nấu, thường là nấu với tôm hoặc tép sông hay biển, thêm tí ruốc tí dầu là đã có ngay món ăn dân dã, đậm đà hương hoa của các loại rau đủ loại từ vườn nhà, đồng đất quê hương ngọt ngào và sâu lắng mà ai đi xa chắc khó quên được. Chính vì vậy, trong những ngày này, các hàng quán hạn chế bán mua thức ăn sẵn, hay cầm cái phiếu đi chợ... là tôi càng nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ canh rau tập tàng.

Tôi nhớ những tháng ngày đi học ở quê, trường xa nhà và đi bộ về tới nhà là mỏi rụng cả đôi chân. Những trưa nắng chang chang còn là đói bụng và hoa mắt vì nắng, bước vô nhà cất sách vở là tôi chạy ào ra giếng múc nước rửa mặt. Nước mát trong làm bừng tỉnh cả người, mẹ tôi đon đả cầm cái quạt mo cau phe phẩy quạt lấy quạt để và giục tôi vào ăn cơm. Cả nhà quây quần bên mâm cơm, ba tôi hỏi han chuyện học ở trường ở lớp. Tôi lướt nhìn, đã thấy hai món là cá phèn kho đường và tô canh rau tập tàng quen thuộc thì tôi thoáng biết mẹ rất "chiều ý" tôi. Mùi thơm của cá kho, của canh rau tập tàng quyện với hương thơm của cơm trắng ngay từ thuở ấy đến chừ tôi vẫn không bao giờ quên được. Dù trời nắng nóng nhưng bỗng chốc, không khí bữa ăn trưa vui vẻ, tình cảm gia đình ấm áp đã làm dịu đi, tan biến hết những trưa hạ ngột ngạt, oi bức.

Tôi đã đi qua những năm tháng như thế mà lớn lên trong lời dạy dỗ ân cần của cha, vòng tay yêu thương của mẹ từ những bữa cơm đạm bạc hương vị, từ bát canh rau tập tàng xanh ngát quê nhà...

Đã bao năm rồi, tôi xa quê đi học đại học và đi làm nơi phố thị. Cuộc sống dần quen với nếp sống ở phố, nhưng tận cùng sâu thẳm tâm hồn tôi, vẫn là quê nhà yêu dấu. Chính vì vậy, những gì thuộc về thuở lũy tre làng, về quê hương, gia đình vẫn theo suốt tôi- đứa con quê nghèo- trong hành trình mưu sinh nơi phố thị. Và trong vô vàn lát cắt ký ức của quá khứ quê nhà, thì món canh rau tập tàng vẫn luôn "dự phần" trong câu chuyện về mảnh đất, con người, đồng đất quê hương của riêng tôi. Tôi vẫn tự hào rằng: chẳng có gì thơm ngọt, mát lành bằng những bát canh tập tàng mẹ nấu. Và anh chị em tôi, cũng như đám trẻ con thôn quê nơi này đã lớn lên cùng những mùa rau tập tàng mà thành người...

Bây giờ, giữa những ngày trưa hạ nắng nóng, tự nhiên tôi thèm một bát canh rau tập tàng mẹ nấu. Hoài niệm bỗng ùa về, dịu mát cả tâm hồn. Chỉ đơn giản thôi, là bát canh rau tập tàng...

THẢO NGUYÊN