Cầu nối tuổi thơ

Thứ năm, 01/02/2024 09:23
“Sông ở tuổi em thì óng ả như cô gái xuân, chảy đầy cái lòng dồi dào của tạo vật. Thêm dăm tuổi nữa, sông chỉ để cho thuyền qua lại, hay là mộng kiêu kỳ của tuổi trẻ...”.

Đây là một trích đoạn trong trường ca “Giao lại” của nhà thơ Xuân Diệu mà cô giáo môn Việt văn của chúng tôi năm lớp đệ Ngũ (lớp tám bây giờ) giới thiệu với học trò trong tiết học mở đầu năm học mới. Hồi ấy, dựa vào nội dung chương trình được soạn trong sách giáo khoa, giáo viên môn Văn có thể chọn giới thiệu với học trò một bài giảng thích hợp với bối cảnh, thời điểm, tâm trạng. Đoạn trích trường ca mà lũ học trò chúng tôi ngày ấy cắm cúi chép vào vở mở đầu khá thôi thúc: “Em mười lăm tuổi, em tuổi hai mươi, đừng để mất một cái gì mà mình chưa hưởng. Gấp đi em, mau đi em, hoa ở tuổi em mới thật là hoa để nâng niu hôn hít...”. Từng chữ, từng câu dìu dặt được đọc lên bằng giọng Huế dịu dàng, trầm bổng của cô giáo chưa qua tuổi 30 với tà áo dài trắng nhẹ nhàng trên bục giảng. Cô giáo của chúng tôi hẳn tinh ý trong sự chọn lựa khi cùng học trò hòa mình vào từng câu chữ của thi sĩ nổi tiếng. Ngồi phía dưới kia, trong các dãy bàn thẳng thớm ngăn nắp của ngôi trường công lập duy nhất dành cho nam sinh của Đà Nẵng lúc bấy giờ là các cậu trai đang ở tuổi 14-15 cùng không ít trò đã bước sang tuổi 16. Các học trò ấy của cô đang chăm chú lắng nghe từng lời giảng hồn hậu, nghiêm trang khơi mở bao khung trời cảm hứng.

Cô giáo của chúng tôi ngày ấy quả là khéo chọn. Vì rằng, mãi đến hơn 50 năm sau, tuồng chữ cô viết bằng phấn trắng trên tấm bảng đen và giọng đọc của cô hãy còn nguyên vẹn trong trí nhớ nhiều học trò. Những cậu bé 14-15 tuổi thuở ấy, chừ đầu hai màu tóc, phần lớn đã lập gia đình với cháu con ríu rít nhưng hễ mỗi lần có dịp ngồi lại bên nhau thì thế nào cũng nhắc lại những giờ học sinh động và thơ mộng, nhắc đến cô giáo Văn của mình với lòng thương yêu, kính ngưỡng. Nhớ cô không riêng với trích đoạn giảng văn làm thao thức tuổi dậy thì kia mà còn bởi cái dáng nền nã với tà áo dài thanh thoát mỗi sáng khi cô sải bước qua hành lang hun hút để vào với các học trò nhỏ đang háo hức chờ đợi.

Chính gương mặt không son phấn và nụ cười nhẹ luôn nở trên môi cô khiến bọn trẻ chúng tôi ngày ấy nhận ra cô giáo của mình vừa gần gũi vừa nghiêm nghị. Các tiết học Văn tự bao giờ trở nên lôi cuốn với nhiều anh em chúng tôi ngày ấy.

Hồi đó, đọc từng chữ của trích đoạn trường ca, ngồi trong lớp học, tôi hình dung và liên tưởng đến con sông quê mình, một nhánh Vu Gia chảy qua Hà Nha, Bàng Tân rồi xuôi về Ái Nghĩa, Quảng Huế trước khi nhập với Thu Bồn để đổ về Vĩnh Điện, cửa Hàn. Qua giọng của cô giáo, tôi nhận ra dòng sông tuổi thơ cũng “óng ả như cô gái xuân”, cũng “chảy đầy cái lòng dồi dào của tạo vật” để càng yêu quý nơi chốn nuôi lớn mình. Và cả bây giờ, mỗi lần có dịp trở lại sông quê, bên cát vàng và sóng êm Vu Gia những chiều thư thả, tôi lại nhớ những câu từ lãng mạn của thi sĩ quá cố mà mình may mắn chạm đến với nhiều xúc cảm tuổi thơ. Nỗi nhớ kéo tôi về những giờ học êm đềm, say đắm với bổng trầm giọng đọc của cô giáo: “Anh giao cho em bụi chuối sau vườn, hạt trăng vẳng rơi lách tách; khóm dừa trước cổng, tóc gió chảy qua những chiếc lược xanh. Anh giao cho em mây sớm an lành; anh giao cho em nắng vàng thương nhớ và giao cho em cả gió, cả trăng”.

Đám học trò ngày ấy có dịp ngồi lại bên nhau bây giờ vẫn thấm thía rằng đoạn thơ văn xuôi kia vốn đã đẹp bỗng càng thêm quyến rũ vì chúng được đọc lên để gieo vào tâm hồn nhạy cảm của tuổi mới lớn qua giọng đọc, lời bình của cô giáo dạy Văn hiền dịu, luôn sôi nổi với từng tiết dạy.

Không riêng học trò mới nhớ người thầy từng gieo vào hồn mình bao hồi ức thơ mộng, cô giáo của chúng tôi, xúc động thay, cũng không quên không gian, hơi hướng ngày xưa mình đứng trên bục giảng. Con gái cô - hiện là một họa sĩ làm việc và định cư ở Mỹ - kể rằng mẹ mình lúc còn sống thỉnh thoảng vẫn nhắc về những giờ đứng lớp xao động ngày mới vào nghề, vẫn nhớ nhiều khuôn mặt học trò trong các lớp mà cô từng dạy. Nhiều người ngạc nhiên xúc động khi cô vẫn nhớ rõ cả thói quen, cá tính của mình thời vụng dại hoang nghịch. “Cái thằng ni lạ chưa tề! Răng mà cứ lang thang hoài rứa hè!”, giọng cô khi vừa véo tai vừa trách yêu một học trò cũ khi phát hiện anh này cứ mãi sống một mình, chẳng chịu lấy vợ. Người bạn ấy xúc động đến nghẹn lời. Anh bảo chẳng điều gì xa lạ trong giọng đọc năm xưa trên bục giảng và lời trách yêu của cô giáo bây giờ dành cho mình. Tất cả đều bắt nguồn từ tâm hồn chân chất, say sưa với thiên chức của người gieo hạt, hết lòng truyền cảm hứng về cái đẹp, về tình người đến với học trò. Tất cả như chiếc cầu nối dắt đám học trò cũ chúng tôi trở về với tuổi thơ.

Chiếc cầu nối với tuổi thơ ấy quý giá mà bình dị dễ gặp biết bao, như khi ai đó một sáng ngày Xuân thình lình cất giọng: “Em mười lăm tuổi, em tuổi hai mươi...”.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ