Cầu treo... bị "treo", mạng người lại "đánh đu"

Thứ tư, 20/07/2016 11:19

(Cadn.com.vn) - Được xây xong 3 tháng, nhưng đến nay cây cầu vượt sông Krông Ana tại thôn 2, xã Hòa Lễ (H. Krông Bông, Đắc Lắc) vẫn chưa được đưa vào sử dụng vì... có cầu nhưng không có đường. Trong khi đó, người dân tại địa phương vẫn phải lội, chèo xuồng hoặc đu dây cáp để băng sông. Thực tế này khiến cho người dân tiếp tục đối diện với nhiều hiểm nguy và tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Người dân đánh vật với dòng nước để qua sông.

"Cầu xây xong đã lâu, không có đường vào nương sâu"!

Do điều kiện đất canh tác ở bên kia sông Krông Ana (thuộc địa phận xã Cư Kty, H. Krông Bông) nên hằng ngày, rất nhiều người dân ở xã Hòa Lễ phải vượt sông đi làm ruộng, rẫy. Do khu vực này không có cầu dân sinh nên muốn sang bờ bên kia chỉ có cách lội, bơi xuồng hoặc đu dây cáp và đã từng xảy ra vụ tai nạn chết người thương tâm.

Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng 2 cây cầu dân sinh tại thôn 6 và thôn 2 nối liền giữa 2 xã Hòa Lễ và Cư Kty. Trong đó, cây cầu dân sinh ở thôn 2 có tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng đã được bàn giao cho địa phương khai thác, sử dụng từ ngày 20-4-2016. Nhưng thật trớ trêu, dù đã xây xong từ 3 tháng trước nhưng đến nay cây cầu treo tại thôn 2, xã xã Hòa Lễ vẫn đang bị "treo", còn người dân thì ngày ngày vẫn vượt sông bằng cách cũ đầy nguy hiểm. Anh Phùng Văn Hiệp (42 tuổi, trú xã Hòa Lễ) cho hay: "Từ khi khởi xây cây cầu này, người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi và nghĩ rằng từ đây sẽ không còn đối mặt với "tử thần" khi qua sông đi làm nữa. Thế nhưng, cho đến nay cây cầu có giá trị hàng tỷ đồng đã hoàn thành nhưng dân không được đi qua là quá phi lý".

Nguyên nhân cây cầu treo này bị "treo" là do ông Nguyễn Đức Việt (1962, trú thôn 1, xã Hòa Lễ) rào chắn và ngày đêm canh gác ngay đầu cầu, không cho phép người dân, đặc biệt là xe máy đi qua cầu. Vậy nhưng, gần 3 tháng nay, chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp giải quyết dứt điểm sự việc gây bức xúc này. Thực tế này một lần nữa buộc dân phải tiếp tục qua sông bằng cách đu cáp treo, chèo xuồng, thậm chí lội bộ.

Cũng theo anh Hiệp cho hay, do không được lưu thông qua cầu nên vào những ngày nước thấp, người dân lội bộ qua sông, còn những ngày mưa lớn, nước chảy xiết thì phải chèo xuồng, thậm chí đu cáp treo từ bên xã Hòa Lễ qua xã Cư Kty để đi làm. Có hôm, dòng nước hung dữ còn cuốn trôi cả xuồng lẫn người..., rất may không xảy ra chết người.

Một đầu cầu bị ông Việt rào chắn, không cho dân đi qua cầu suốt nhiều tháng nay.

Vì đâu nên nỗi?

Trước tình trạng nói trên, người dân nhiều lần kéo đến hỏi ông Việt về lý do rào cầu, ngăn không lưu thông thì mới hay phần đường dẫn lên cầu thuộc đất của ông chưa được đền bù. Vì vậy, ông Việt phải chặn dân đi qua cầu để bảo vệ hoa màu của gia đình mình. Để tháo gỡ "nút thắt", nhiều người dân địa phương đã tự góp tiền đưa cho ông Việt nhưng vẫn không được chấp nhận. Anh Nguyễn Thế Nghiệp (1972) bày tỏ: "Chúng tôi không hiểu vì lý do gì nhà nước đã bỏ hàng tỷ đồng ra để xây cầu nhưng lại không giải quyết vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng để có đường kết nối với cầu. Trong khi, hầu hết người dân buộc phải qua sông mới có thể tiến hành sản xuất, canh tác. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền địa phương sớm có câu trả lời và biện pháp giải quyết thỏa đáng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân".

Trước những thắc mắc của người dân, ông Lục Văn Toại, Giám đốc BQL dự án, Sở GTVT tỉnh Đắc Lắc thông tin, Bộ GTVT chỉ đầu tư kinh phí để xây dựng cầu, còn việc giải phóng mặt bằng, làm đường kết nối là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Về điều này, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ xác nhận: "Diện tích đất liền kề cầu của ông Việt thuộc địa giới hành chính của xã Cư Kty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính quyền địa phương đã làm việc với ông Việt và các bên liên quan, ông Việt yêu cầu đền bù cho ông ấy 15 triệu đồng thì sẽ giao đất làm đường. Trong đó, người dân đã đóng góp được hơn 7 triệu đồng. Mới đây, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Huyện ủy H. Krông Bông. Huyện ủy cho biết sẽ trích một phần kinh phí ngân sách để hỗ trợ việc làm đường kết nối với cầu thôn 2. Bên cạnh đó, sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với UBND xã Cư Kty để cùng nhau đóng góp, làm đường cho dân đi. Do mùa thu hoạch đang đến gần nên chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất trong việc giải phóng mặt bằng, làm đường kết nối với cầu".

Nguyên Trịnh