Cây xưa còn gầy nằm phơi dáng đỏ

Thứ ba, 05/03/2024 14:56
Nha Trang đang hướng tới Lễ kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển thành phố (1924-2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (22-4-2009 - 22-4-2024). Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào ngày 2-4 tới. Hướng đến sự kiện trọng đại này, trên các mạng xã hội hiện nay, nhiều người đã tạo ra những trang kỷ niệm, ở đó là hình ảnh của Nha Trang những ngày xưa cũ, như để những người lớn nhớ lại ký ức của mình, và những người trẻ biết thêm về thành phố biển mình đang sống.
Những con đường giờ thành ký ức…
Ai cũng có một thời thanh xuân để tìm về.

Tính từ cột mốc 1970 đã hơn 50 năm, và theo quy luật của đất trời xoay chuyển, thành phố không ngừng thay đổi. Ở trong lòng thành phố đó có những người 50 năm trước là tuổi thanh xuân, thời chiếc xe máy là cả một gia tài, thời không Internet và dĩ nhiên chẳng có smartphone. Cái thời mà hẹn hò thường ra biển ngồi hoặc đi xem phim, chẳng Beer Bub, chẳng vũ trường, chẳng karaoke.

Hồi đó, Nha Trang chỉ có hai trường công lập cấp 3 là trường Võ Tánh (nay là trường Lý Tự Trọng) dành cho học trò nam và trường Nữ Trung Học (nay là trường THCS Thái Nguyên) dành cho học trò nữ. Có thêm một trường nữ khác là Thánh Tâm (nay là mẫu giáo Hương Sen) của Công giáo thành lập. Thời đó, học xong lớp 9, thi tuyển vào lớp 10 công lập là con đường gian nan, vì số lượng học sinh nhận vào công lập rất ít. Vào ban đêm, có thêm trường học đêm dạy ở trường Nam (Nguyễn Văn Trỗi bây giờ), dành cho ai không có thời gian học ban ngày.

Ngược lại, trường tư có rất nhiều. Chỉ cần làm thủ tục và đủ tiêu chuẩn là có thể mở trường để dạy học. Học phí đóng hàng tháng không cao lắm cho nên việc học trường tư là bình thường. Đi học trường tư rất thoải mái, năm nay học trường này, sang năm học trường khác chẳng ai ngăn cản, vì học trò học theo thầy và trường tư thì nữ sinh và nam sinh học chung lớp, nữ sinh ngồi các bàn phía trước. Vào thời đó, các thầy dạy rất nổi tiếng có một lượng học trò theo học là thầy Thụy (dạy công dân), thầy Phương (dạy Toán), thầy Hân (dạy Anh văn), thầy Diễm (dạy Triết), thầy Tần (dạy Sử Địa), thầy Huỳnh Tấn (Anh văn), thầy Liêu (Pháp văn)… Trường tư hồi đó có thể kể trường Đăng Khoa trên đường Lý Thánh Tôn, trường Văn Hóa trên đường 23-10, trường Kim Yến trên đường Nguyễn Trãi (nay là Võ Trứ)… có cả trường Bồ Đề trong khuôn viên chùa Long Sơn… Học trò vào ngày đầu khai giảng vào lớp học thử, thích thì nộp hồ sơ, không thích thì qua trường khác.

Những con đường giờ thành ký ức…

Bây giờ không thấy cảnh "anh theo Ngọ về" như bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng vào thời đó chuyện các chàng trai đi theo các cô học sinh rất thịnh hành và kiểu yêu hồi đó rất khờ khạo, nhút nhát. Trước trường Nữ Trung học khi đó là con đường nhỏ, Công viên Ngô Gia Tự mới có sau này khi mở đường Quang Trung, thông qua Quân y Viện cũ. Trước trường có nhiều cây cổ thụ, trở thành chỗ các cậu học trò đứng đợi các cô nữ sinh tan trường, chỉ để đi theo. Ngay trường Thánh Tâm cũng vậy, ngày đó có rất nhiều cây xà cừ, cũng là nơi cho các chàng trai đợi tới giờ tan học. Hồi đó đi học đa phần là đi bộ, nếu tan sớm thì rủ nhau ra biển chơi. Nữ sinh khi ấy mặc áo dài trắng luôn 7 ngày, cặp mang theo thường là chiếc cặp đen, phần lớn đều để tóc dài. Những bước chân theo nhau về tạo nên một vẻ đẹp đến lạ. Phố cũng chỉ có xe đạp, ít chiếc mobilex, solex, honda chứ không chật chội xe cộ như bây giờ.

Mỗi trường học vào dịp hè đều làm một tờ đặc san, coi như là kỷ niệm của thời đi học. Năm lớp 11 tôi học Đăng Khoa, trong ban chủ biên tờ Thùy Dương. Khi đó in ấn màu rất khó, chỉ mỗi bìa đặc san là in màu, còn ruột thì in thường. Tôi nhớ nhận được một bài rất hay, tựa là "Rửa mắt" kể chuyện các chàng học trò đứng ở lan can trường chỉ để ngắm các cô học trò, nhưng cuối cùng đành phải bỏ ra vì quá dài. Năm 12 chúng tôi theo các thầy kể trên về trường Kim Yến và tôi làm Trưởng ban biên tập phát hành tờ đặc san Kim Yến. Để có bài vở, chúng tôi đặt một thùng thư trước văn phòng trường. Các sáng tác vô cùng phong phú, tác giả được đăng bài được tặng một tờ báo biếu. Cả hai tờ đặc san tôi thực hiện vào thời điểm đó được các học sinh mua hết, tiền lời dùng để nhóm thực hiện đi dã ngoại.

50 năm đã trôi qua, những lớp học trò ngày đó nay đã già và ở khắp mọi phương trời, những bước chân theo nhau về ngày đó cũng đã qua, những mối tình khờ của năm 1970: "Cây xưa còn gầy nằm phơi dáng đỏ/Áo em ngày nọ phai nhạt mấy mầu/Âm vang thuở nào bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau".

Tạp bút: Khuê Việt Trường