Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng và những khó khăn cần được giải quyết
Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 5 trường hợp mắc các rối loạn tâm thần được phát hiện mới và toàn tỉnh có 2.526 người/3.031 người mắc các rối loạn tâm thần trong danh sách quản lý được điều trị tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn tâm thần khác với hiệu quả 100% người bệnh ổn định. Hiện nay, chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai và duy trì hoạt động dựa vào mạng lưới bao gồm Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT), 9 Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố và 125 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Tuy có các điều kiện thuận lợi là mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản hoạt động thường xuyên, hiệu quả và luôn được cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng đến nay hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh, y tế tuyến huyện chưa có cán bộ chuyên khoa tâm thần nên phải kiêm nhiệm. Cùng đó, kinh phí mua thuốc cấp với người bệnh tâm thần điều trị ngoại trú bị cắt hoàn toàn và hoạt động sàng lọc chưa triển khai được do không đủ nhân lực. Đặc biệt, việc cắt hoàn toàn kinh phí mua thuốc cấp với người bệnh tâm thần điều trị ngoại trú tại nhà làm người bệnh phải đi khám bảo hiểm y tế để được nhận thuốc gặp khó khăn về chi phí đi lại dẫn đến bỏ trị, người mới mắc bệnh không được tiếp cận điều trị sớm…
Nếu giải quyết được những khó khăn trên, chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng sẽ triển khai tốt hơn nữa các hoạt động có ý nghĩa “tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ, các rối loạn sức khỏe tâm thần khác” theo tinh thần của Kế hoạch Quốc gia Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.
Bội Nhiên