Chặn đà lây lan mạnh của dịch trước Tết Nguyên đán

Thứ bảy, 08/01/2022 08:53

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 7-1. 

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn Đà Nẵng đang có dấu hiệu tăng và hiện đã vượt mốc 300 ca/ngày. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 7-1, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung tối đa các nguồn lực để chặn đà lây lan mạnh của dịch bệnh trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. 

Ngày 7-1, Đà Nẵng ghi nhận 310 ca mắc COVID-19 gồm 10 ca cách ly tập trung, 130 ca cách ly tạm thời tại nhà, 26 ca trong khu phong tỏa và 144 ca cộng đồng. Các ca cộng đồng được phát hiện khi đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế như trạm y tế các phường, xã (44 ca); Bệnh viện 199, Bộ Công an (12 ca); Bệnh viện Gia đình (7 ca); Bệnh viện Hoàn Mỹ (9 ca); Bệnh viện Tâm Trí (10 ca); Bệnh viện Bình Dân (2 ca); Bệnh viện Đà Nẵng (2 ca); Bệnh viện Phụ sản - Nhi (1 ca); Bệnh viện Quân Y 17 (1 ca); Bệnh viện Ung bướu (2 ca); Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ (1 ca); Trung tâm Y tế Q. Hải Châu (2 ca); Trung tâm Y tế H. Hòa Vang (2 ca); Phòng khám Ân Đức (1 ca); Phòng khám Hoà Khánh (3 ca); Phòng khám Medlatec (2 ca); Phòng khám Thiện Nhân (7 ca); Phòng khám Y Đức (2 ca); Trung tâm kỹ thuật cao Excelab (1 ca); Trung tâm Y khoa Phúc Khang (2 ca); Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu (3 ca); Trung tâm Y tế Q. Ngũ Hành Sơn (2 ca); Trung tâm Y tế Q. Sơn Trà (5 ca); Trung tâm Y tế Q. Thanh Khê (1 ca).

Ngoài ra, có 3 ca lấy mẫu công ty Matrix Cẩm Lệ; 9 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Non Nước; 2 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Tam Thuận; 1 ca là lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 xã Hoà Châu; 1 ca làm Công ty tập đoàn VN Đà Thành; 1 ca làm Công Ty TNHH Lovepop Việt Nam và 3 ca làm Công ty Yokohama Technica.

274/310 ca mắc trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như Q. Thanh Khê (62 ca), Q. Cẩm Lệ (43 ca), Q. Sơn Trà (42 ca), Q. Liên Chiểu (38 ca), Q. Ngũ Hành Sơn (35 ca), Q. Hải Châu (34 ca), H. Hòa Vang (20 ca).

Trong ngày, lực lượng chuyên môn xét nghiệm 13.850 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 12.438 lượt, test nhanh 1.412 lượt người. Tính đến nay, TP đã tiêm 1.980.891 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó đã tiêm mũi 1 cho 975.927 người, mũi 2 cho 958.421 người và mũi 3 cho 46.543 người.TP hiện có 402 khu vực phong tỏa với 622 hộ (3.311 nhân khẩu), duy trì 9 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 340 người.

Tại cuộc họp chiều 7-1, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhìn nhận, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP đang có diễn biến hết sức phức tạp, những ngày qua, số ca mắc mới đều trên dưới 300 ca. “Các đơn vị, địa phương phải tập trung tối đa các nguồn lực để kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh. Riêng các địa phương hiện đang có những ổ dịch phức tạp, số ca nhiều cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình và tiến hành xét nghiệm diện rộng để kiểm soát nhanh nhất các ổ dịch. Chúng ta phải cố gắng hết sức trong vòng 24 ngày trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần phải kéo giảm số ca xuống mức 100. Trong bối cảnh hiện nay, việc này không đơn giản nhưng nếu chúng ta quyết liệt thì sẽ làm được”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. 

Song song đó, lãnh đạo TP đề nghị CDC Đà Nẵng theo dõi tình hình, thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP ngay khi Viện Pasteur Nha Trang có kết quả giải trình tự gen về các ca nhiễm ghi nhận sau ghi nhập cảnh về Việt Nam tại sân bay Đà Nẵng. Trong quá trình chờ đợi kết quả, các đơn vị cũng phải chủ động các biện pháp kiểm soát chặt, không để biến chủng Omicron xâm nhập vào TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, UBND TP đã thống nhất thời gian áp dụng phong tỏa, tinh thần tối thiểu là 7 ngày. “Các địa phương cần chủ động đánh giá, cần thiết thì kéo dài thêm thời gian phong tỏa để kiểm soát hiệu quả nhất dịch bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương tổ chức đánh giá, công bố cấp độ dịch kịp thời, không để các ca bệnh tiếp tục tăng. Khi phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 mới, các đơn vị, địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ, rà soát nếu thấy không đủ điều kiện điều trị tại nhà thì cho điều trị tập trung, tuyệt đối không được để bệnh nhân phải chờ đợi lâu. Ngành Y tế rà soát, đề xuất TP có kế hoạch mua sắm sinh phẩm xét nghiệm cũng như các phương tiện liên quan đến công tác phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

PHI NÔNG