Chàng trai 9x đam mê chế tạo nhạc cụ thổi hơi

Thứ sáu, 19/07/2019 09:21

Vốn đam mê với cây sáo trúc, cộng thêm sở thích tìm tòi, sáng tạo, Trịnh Ngọc Huy Toàn (1991, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã khéo léo tái chế nhiều phiên bản “sáo trúc” từ những vật dụng có một không hai như ghế, ống nước, cưa, hay thậm chí là ống bô xe máy và thổi hay không thua kém gì cây sáo trúc thông thường. Trò chuyện với anh tại lớp dạy đàn guitar do anh trực tiếp giảng dạy, tôi vô cùng bất ngờ khi biết anh chưa hề học qua trường lớp âm nhạc nào mà tốt nghiệp ngành Kiến trúc của Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Có lẽ đó là năng khiếu âm nhạc từ bé của Toàn. Lên lớp 5, Toàn được tiếp xúc với đàn guitar và tự mày mò, học hỏi những người đi trước. Mãi đến năm thứ 2 đại học, Toàn mới bắt đầu tìm đến cây sáo trúc vì đây là loại nhạc cụ dân tộc anh rất yêu thích.

Toàn hạnh phúc với “công trình” sáng tạo của mình.

Từ việc học cách chơi sáo trúc như thế nào cho đúng, cho hay thì đam mê thôi thúc anh nảy sinh ra sáng kiến tự chế tạo sáo trúc thông thường. Anh tự tìm hiểu cấu tạo của sáo trúc rồi đặt mua hay có khi vào các cánh rừng trúc đem về đục, khoét thành cây sáo trúc hoàn chỉnh. Từ nền móng đã làm sáo trúc, Toàn dần mở rộng khả năng sáng tạo, tiếp tục mày mò làm nhạc cụ thổi hơi bằng nhiều nguyên liệu dựa vào cây sáo trúc nguyên bản. Toàn bảo: “Có khi học ngành Kiến trúc là đúng vì đã gắn liền với các công trình sáng chế của mình”. Nếu nói về công trình sáng chế của Toàn có lẽ phải nhắc về chiếc ống bô xe máy. Anh mua 3 chiếc ống bô và 4 tháng mới có thể làm ra chiếc “sáo” ống bô hoàn chỉnh. Tiếp đó là chiếc ghế inox, Toàn cũng đã tiêu tốn trên dưới 10 cái ghế mới có thể sáng chế ra được âm thanh chuẩn như sáo thông thường. “Cứ hễ thấy vật dụng gì có lòng rỗng là tôi cảm nhận rằng sẽ sáng chế ra được nên không ngần ngại bắt tay vào nghiên cứu rồi đục, khoét lỗ. Dần hình thành thói quen, cứ đi đâu lại để ý đến các vật dụng và một khi đã làm thì dù số lần hỏng có nhiều đến đâu, tôi vẫn cố gắng hoàn thành sản phẩm của mình cho hoàn chỉnh mới thôi”.

Trong suốt 3 năm, Toàn đã sáng chế gần 10 vật dụng phiên bản “sáo trúc” khác nhau. Mỗi vật dụng đều có những khó khăn trong quá trình chế tạo, tùy vào hình dạng, kích thước, độ dày của ống mà anh phải tìm cách đục lỗ sao cho các âm vực, tông nhạc đúng chuẩn. Vật dụng mà Toàn sáng chế khiến tôi ấn tượng nhất khi được nghe anh kể đó là nhánh đu đủ. Chỉ cách giờ diễn khoảng 2 tiếng, anh mới đi tìm nhánh lá đu đủ về khoét lỗ trên thân, vì nếu làm quá sớm thì cành không đủ tươi, không đủ giòn thì âm thanh phát ra sẽ không hay. Quá trình làm cũng chỉ cho phép tối đa 30 phút để hoàn thiện nên đây là phiên bản “sáo trúc” đòi hỏi sự nhanh nhẹn và nguy cơ rủi ro cũng khá cao.

Trong thời gian là sinh viên Đại học, Toàn tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” do trường tổ chức và đã chọn tiết mục biểu diễn các loại nhạc cụ bằng hơi và xuất sắc vượt qua vòng loại đi thẳng vào chung kết. Bất ngờ hơn, tiết mục của Toàn đã chinh phục được ban giám khảo để nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi. Không chỉ nghe kể, tôi cũng tận mắt chứng kiến Toàn biểu diễn nghệ thuật tại chân cầu Rồng với những nhạc cụ rất cồng kềnh được làm từ nhiều nguyên liệu. Hàng trăm khán giả đều ngạc nhiên và hào hứng với tiết mục của Toàn. Chọn một liên khúc về quê hương, Toàn sử dụng tất cả là 5 loại nhạc cụ tự chế từ các vật phế thải như ống nước nhựa, ghế inox, chai nước nhựa, chân micro, ống hút nhựa. Anh Toàn cho hay, mỗi lần chuyển đổi dụng cụ cho mỗi phần biểu diễn chỉ được phép mất 3 giây, vì thế ngoài việc sáng chế khả năng thổi hay theo đúng tiết tấu thì mỗi vật dụng phải được nghiên cứu cách cầm, nắm sao cho thuận tiện khi biểu diễn. Toàn bảo: “Mỗi lần chuyển đổi một nhạc cụ tái chế, khán giả đều mắt tròn, mắt dẹt vỗ tay giòn giã ủng hộ cho tiết mục, tôi lại thấy rất vui và hạnh phúc. Cứ mỗi khi nhận tiết mục trình diễn tôi lại càng có động lực sáng chế nhiều hơn nữa những dụng cụ khác nhau để làm mới dụng cụ âm nhạc cũng như đổi mới tiết mục của mình”.   

Diệu Huyền