Chất lượng rượu thủ công-vẫn là ẩn số
(Cadn.com.vn) - Trong thời gian gần đây, ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, liên tiếp xảy ra hàng chục nạn nhân bị ngộ độc rượu có chứa methanol (RCCM), một loại cồn công nghiệp. Mới đây, tại Hà Tĩnh, cũng đã xảy ra trường hợp ngộ độc RCCM. Uống RCCM, nhẹ thì mù mắt, liệt não, nặng có thể tử vong. Nhiều trường hợp tử vong, thập tử nhất sinh vì uống RCCM, là báo động đỏ về mối nguy hại từ loại rượu này. Nhiều bạn đọc của Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh về nỗi lo từ các cơ sở sản xuất rượu thủ công (SXRTC) trên địa bàn TP Đà Nẵng tiềm ẩn nguy cơ về rượu không an toàn.
Nhỏ lẻ, tự phát, khó kiểm soát
Cũng như nhiều địa phương khác, ở Đà Nẵng thật dễ dàng khi mua RTC. Bất kể ở đâu: nhà hàng, quán nhậu, quán cơm, quầy tạp hóa, ở chợ, khu dân cư (KDC)... đều có thể mua được RTC, rượu ngâm thuốc được bày bán trong những vỏ can, vỏ chai nước khoáng, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Chỉ cần vài nghìn đồng, cũng đã có một chai rượu uống nên RTC là sự lựa chọn của nhiều người, nhất là những người có thu nhập thấp trong những tiệc liên hoan, đám giỗ, cưới hỏi... Thói quen uống rượu khi buồn, khi vui, thậm chí là hằng ngày trong các bữa ăn dùng vài chén rượu cho giãn gân cốt của người miền Trung, càng khiến cho rượu trở nên không thể thiếu đối với không ít người. Cũng chính vì vậy, các cơ sở SXRTC nhỏ lẻ, tự phát, ngày càng nhiều ở trong các KDC, rất khó kiểm soát.
Một lò nấu rượu ở H.Hòa Vang, nhếch nhác, ngay sát cạnh chuồng heo. Ảnh: Thanh Hoa |
Đến một vài cơ sở SXRTC trên địa bàn H. Hòa Vang, Q.Sơn Trà, Q. Liên Chiểu, chúng tôi không khỏi giật mình bởi cảnh nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh. Từ khâu nấu cơm đến khâu vào men, nấu và ra rượu đều tự phát đến đáng lo. Hầu hết các cơ sở SXRTC cho biết men mua ở chợ, mua bao to cả chục ký, không có nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ; thậm chí có cơ sở còn có loại men của Trung Quốc không cần nấu cơm, chỉ cần trộn vào gạo ủ và nấu ra rượu. Các lò nấu rượu được đầu tư đơn giản, ít vốn, thường ở bếp, cạnh chuồng heo, chuồng gà; dụng cụ nấu rượu lâu ngày rỉ sét, cáu bẩn. Đến một cơ sở SXRTC ở Hòa Vang đúng lúc đang vào men. Những nồi cơm to được đổ ra những chiếc vỏ bao mốc meo, cáu bẩn, trải vội trên nền sát cạnh chuồng heo, hôi hám, bụi bẩn. Nhiều cơ sở cho biết, họ nấu mỗi tháng khoảng chục nồi, đủ để bán cho các quán, chợ gần nhà, nên cũng không có ai đến kiểm tra, nhắc nhở. Hiện nay, theo số liệu của Sở Công thương TP Đà Nẵng, mới có 5 cơ sở sản xuất rượu được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (GPĐKKD) và giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP (GCNĐĐKVSATTP); khoảng 300 cơ sở SXRTC; trong đó, tập trung chủ yếu ở H.Hòa Vang (hơn 230 cơ sở) chưa có GPĐKKD nhưng vẫn hoạt động. Song, trong thực tế, theo thống kê của chúng tôi, trên địa bàn Đà Nẵng, số cơ sở SXRTC hơn nhiều so với con số khoảng 300. Ông Nguyễn Văn Trừ-Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công thương TP Đà Nẵng lý giải, sở dĩ các cơ sở này chưa được cấp GPĐKKD do vướng Quyết định 39 của UBND TP Đà Nẵng. Điều 15 của Quyết định này quy định các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không được cấp mới giấy chứng nhận ĐKKD, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong KDC, trong đó có ngành sản xuất cồn, rượu, bia, nước giải khát (trừ nước uống tinh khiết). Chiếu theo quy định này, thì trên địa bàn Đà Nẵng không có cơ sở SXRTC nào hội đủ điều kiện để được cấp GPĐKKD. Không được cấp GPĐKKD, cũng có nghĩa là các cơ sở SXRTC không được cấp GCNĐĐKVSATTP. Do đó, việc quản lý chất lượng RTC trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay vẫn còn là ẩn số và người dân vẫn lo về chất lượng RTC và RCCM.
Tại một cơ sở nấu rượu ở Hòa Vang, cơm được vào men trên nền nhà hôi hám, bụi bẩn cạnh chuồng gà. Ảnh: Thanh Hoa |
Biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền
Việc phân cấp quản lý sản phẩm rượu như hiện nay cũng gây khó cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Cụ thể, ngành Công thương được giao quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; nhưng rượu thuốc, rượu được bán trong các nhà hàng, quán ăn và nguồn men sản xuất rượu lại do ngành Y tế quản lý; riêng các hộ SXRTC lại thuộc sự quản lý của các quận, huyện... Điều này, càng đòi hỏi sự phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý rượu. Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng (CCQLTT TP) cho biết: hầu hết các cơ sở SXRTC đều nhỏ lẻ, không có GPĐKKD, tự nấu, tự tiêu thụ nên rất khó kiểm tra, xử phạt. Qua thực tế kiểm tra các cơ sở SXRTC trên địa bàn, phát hiện sai phạm chủ yếu là rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa, sử dụng thương hiệu và giả nhãn mác, men sản xuất rượu trôi nổi nên cũng rất khó kiểm soát. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành đúng quy định, dùng men rượu có nguồn gốc xuất xứ...
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, lưu thông, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để RCCM vận chuyển vào Đà Nẵng
Theo ông Nguyễn Nho Hậu, CCQLTT TP thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, Chi cục VSATTP TP kiểm tra các mặt hàng rượu nói chung, rà soát mức độ an toàn sản phẩm rượu đối với người tiêu dùng. Thời gian qua, CCQLTT TP đã kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp rượu giả, rượu kém chất lượng, vi phạm nhãn mác. Mặc dù, hiện nay, Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc rượu và chưa phát hiện rượu có chứa methanol, nhưng trong thời gian tới, CCQLTT TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, lưu thông trên các tuyến quốc lộ (trong đó có rượu), nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, không để RCCM vận chuyển vào Đà Nẵng. Thực tế cho thấy, không riêng gì RTC, RCCM, mà các loại rượu không đảm bảo chất lượng VSATTP, rượu có hàm lượng các chất có hại cho cơ thể khác, đều đe dọa sức khỏe, tính mạng của con người. Vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, đảm bảo chất lượng rượu, người dân cần nâng cao nhận thức trong công tác chấp hành các quy định về sản xuất, buôn bán và thói quen sử dụng rượu an toàn.
Hồng Nhật