Chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại TP Đà Nẵng luôn được duy trì

Thứ năm, 10/08/2023 07:53
Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng - Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng tại Hội nghị sơ kết 1 năm (tháng 6-2022 - 6-2023) công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) do ngân hàng này tổ chức vào ngày 3-8-2023 vừa qua.
Một điểm giao dịch TDCSXH trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Một điểm giao dịch TDCSXH trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,05%

Tại hội nghị này, ông Đoàn Ngọc Chung - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng, cho biết: Tính đến thời điểm 30-6-2023, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn TP đạt 4.361 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng so với 30-6-2022; đã giải ngân cho 24.541 lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 1.769 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.138 tỷ đồng… Hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thường xuyên được quan tâm, duy trì nề nếp, ổn định. Đến 30-6-2023, toàn TP có 1.869 Tổ TK&VV, trong đó, có 1.823 Tổ xếp loại tốt (chiếm 97,5%), 42 Tổ xếp loại khá (chiếm 2,2%), 4 Tổ xếp loại trung bình (chiếm 0,3%), không có Tổ xếp loại yếu. Đặc biệt, Chi nhánh Ngân hàng CSXH các cấp đã tăng cường quản lý chất lượng TDCSXH trên địa bàn TP bằng các giải pháp như: thường xuyên chỉ đạo các Tổ TK&VV thu hồi nợ khó đòi, quyết liệt trong xử lý nợ quá hạn, xử lý hộ vay có khả năng trả nợ nhưng chây ì không trả nợ… Nhờ đó, đã góp phần giúp cho tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn TP đối với TDCSXH còn 2,087 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 0,05%/tổng dư nợ, giảm được 0,005% so với thời điểm 30-6-2022. Trong đó, nợ quá hạn: 1,318 tỷ, tỷ lệ 0,03%/tổng dư nợ; nợ khoanh: 769 triệu đồng, tỷ lệ 0,02%/tổng dư nợ.

Đóng góp vào hiệu quả, chất lượng hoạt động TDCSXH trên địa bàn TP thời gian qua có vai trò rất lớn của chủ tịch UBND các xã/ phường - thành viên của Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng CSXH các quận, huyện (gọi tắt là BĐD). Chủ tịch UBND các xã/phường đã luôn tham dự các cuộc họp của BĐD nhằm nắm rõ cụ thể tình hình TDCSXH tại địa bàn quản lý để đề xuất tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi những chính sách TDCSXH cho phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH và nhu cầu của người dân địa phương. Đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn, những kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là về xử lý nợ quá hạn, khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú, xử lý rủi ro..., từ đó giúp BĐD có những chỉ đạo và giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả TDCSXH. Tiếp đến, căn cứ vào chỉ tiêu được BĐD phân bổ, chủ tịch UBND các xã/phường đã phân giao chỉ tiêu đến từng thôn, tổ dân phố, điều hành nguồn vốn cho vay, triển khai thực hiện các chương trình TDCSXH; đồng thời, phát huy vai trò đắc lực của Ban giảm nghèo cấp xã/phường trong việc bình xét và tham mưu cho chủ tịch UBND các xã/phường xác nhận đối tượng được thụ hưởng TDCSXH… Đặc biệt, chủ tịch UBND các xã/phường đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động TDCSXH tại địa bàn quản lý. Theo đó, định kỳ mỗi quý, chủ tịch UBND các xã/phường đã kiểm tra ít nhất 1 thôn/tổ dân phố, một số Tổ TK&VV và một số hộ vay, trong đó, tập trung kiểm tra các Tổ TK&VV có chất lượng hoạt động chưa tốt, những hộ vay sử dụng vốn kém hiệu quả để tham mưu BĐD có giải pháp xử lý chấn chỉnh kịp thời.

Tạo điều kiện cho các điểm TDCSXH hoạt động hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung cũng lưu ý, thời gian qua, vẫn còn một số chủ tịch xã/phường chưa tham gia họp giao ban của BĐD mà cử cấp phó tham gia họp như tại các xã/phường: Bình Hiên, Hải Châu 1, Hòa Hải, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Tiến, v.v... Việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV chưa được thường xuyên nên chất lượng các Tổ chưa đồng đều, một số Tổ có chất lượng hoạt động chưa ổn định cần củng cố kiện toàn đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động TDCSXH, đến ngày 30-6-2023, toàn TP còn 119 khách hàng đi khỏi nơi cư trú với số tiền nợ gốc là 3,137 tỷ đồng. Đặc biệt, một số chủ tịch UBND xã/phường chưa quyết liệt chỉ đạo các Tổ TK&VV đôn đốc thu hồi nợ khó đòi nên nợ quá hạn đôi lúc chưa được xử lý kịp thời, vẫn còn tình trạng hộ vay có khả năng trả nợ vẫn chây ỳ không trả nợ nhưng chưa được xử lý dứt điểm; một số xã/phường để phát sinh nợ quá hạn như: An Hải Tây: tăng 52 triệu đồng, Thanh Khê Đông: tăng 51 triệu đồng, An Hải Bắc: tăng 50 triệu đồng, Mân Thái: tăng 48 triệu đồng... so với thời điểm 30-6-2022.

Để công tác kiểm tra, giám sát hoạt động TDCSXH trong thời gian đến đạt hiệu quả hơn, chất lượng hoạt động TDCSXH tiếp tục được nâng lên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Chi nhánh Ngân hàng CSXH các cấp tiếp tục tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo TP về TDCSXH. Đặc biệt là đề nghị chủ tịch UBND các xã/phường tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các điểm TDCSXH tại xã/phường hoạt động hiệu quả; quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi giúp hoạt động giao dịch TDCSXH tại xã/phường được an toàn và hiệu quả; sắp xếp công việc tham dự họp giao ban tại các cuộc họp của BĐD để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại các Tổ TK&VV; tiếp tục chỉ đạo các hội, đoàn thể, Tổ TK&VV làm tốt việc quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ và đúng hạn, nhất là tích cực xử lý các khoản nợ đi khỏi nơi cư trú; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát với vai trò là thành viên BĐD, đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, hiệu quả hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và cấp dưới, các Tổ TK&VV trong thực hiện dịch vụ ủy thác hoạt động TDCSXH...

PHÚ NAM