Chất triết lý trong thơ tình Nguyễn Quang Hà

Thứ năm, 19/12/2019 13:03

Gửi em cô gái đỏng đảnh (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ thứ 3 của nhà văn Nguyễn Quang Hà. Nói theo kiểu Nguyễn Tuân thì Nguyễn Quang Hà đi bằng hai chân. Chân phải là văn xuôi, chân trái là thơ. Anh nhận được một số giải thưởng về tiểu thuyết và ký. Thơ anh được nhiều độc giả (nhất là độc giả ở Huế) hết sức yêu thích. Riêng tôi, tôi rất ấn tượng với chất triết lý trong thơ tình của nhà văn Nguyễn Quang Hà.

Tác giả (phải) và nhà văn Nguyễn Quang Hà.  

Nguyễn Quang Hà từng là một người lính bởi thế anh luôn trăn trở khi nghĩ về những đồng đội đã dũng cảm hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ: Tôi biết rồi thời gian sẽ xóa đi tất cả/Tên tôi tên anh trên bia đá sẽ mờ/Nấm mộ đất sẽ trôi theo năm tháng/ Chỉ cỏ xanh rờn vẫn xanh nguyên sơ (Chúng tôi những người lính).

Đúng là thời gian sẽ xóa đi tất cả, cuốn trôi tất cả. Đời người vốn hữu hạn trước thời gian vô cùng. Nhưng sao khi nghe câu danh ngôn "Mọi thứ rồi sẽ qua đi/ Chỉ còn tình yêu ở lại" tôi không mấy cảm xúc mà đọc mấy dòng thơ này của Hà tôi cứ thấy tim mình nhoi nhói. Lẽ nào thời gian nhẫn tâm như thế? Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Chỉ cỏ xanh rờn vẫn xanh nguyên sơ. Cỏ tượng trưng cho sức sống của thiên nhiên. Chỉ có thiên nhiên là vĩnh hằng cùng năm tháng. Cả khổ thơ còn ẩn chứa một điều gì đó sâu xa hơn mà tôi không thể hiểu hết. 

Còn đây là những câu thơ anh viết về mẹ: Giặc giã, nắng mưa, bão giông trùm lên đầu mẹ/ Sao lời mẹ ru con vẫn rất đỗi dịu hiền! (Mẹ). Thơ về mẹ không hiếm nhưng hiếm có bài thơ nào nói được điều kỳ diệu này của mẹ. Từ một người mẹ cụ thể, tác giả khái quát vai trò của người mẹ trên toàn thế giới. Tôi chợt nhớ hai câu thơ dịch từ câu danh ngôn của Macxim Gorki: Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng thi sĩ hỏi có đâu!.

Thơ Hà là thơ trữ tình nhưng mang đậm màu sắc triết lý (khác với thơ triết lý thuần túy). Điều đó càng thể hiện khá rõ trong mảng thơ viết về đề tài tình yêu nam nữ của anh. Thơ về đề tài tình yêu chiếm gần 1/3 trong thi phẩm Gửi em cô gái đỏng đảnh. Có thể khẳng định, thơ tình mới là sở trường của Nguyễn Quang Hà. Cũng như những văn nghệ sĩ khác, Nguyễn Quang Hà cũng thuộc "nòi" đa tình. Đến Quảng Bình thấy Phong Nha đẹp, sông Nhật Lệ đẹp, biển Hải Thành đẹp... nhưng khi chia tay thì:  Thôi xin chào nhé Lũy Thầy/ Chỉ mang đi nét lông mày của em (Quảng Bình).

"Tán gái" như thế là hóm, là siêu. Cô gái Quảng Bình nào đó dù "khí phách đọ Trường Sơn" đi nữa, nghe được câu này chắc cũng phải xiêu lòng.

Nguyễn Quang Hà từng chết mê chết mệt một cô gái chỉ vì cô ta có chiếc răng khểnh: Rất lạ kỳ chiếc răng khểnh của em/Đã bao lần làm anh bối rối/Anh là lính quen có hàng có lối... (Chiếc răng khểnh)

Cái tài của nhà văn Nguyễn Quang Hà là đưa ngôn ngữ sự vụ, hành chính vào thơ mà không hề thô vụng: Nói thật nhé không có anh đối tác/Em chỉ vô tình như lá rơ...   Em yêu ơi, anh nói cho oách vậy thôi/Anh sẽ chẳng là cái đinh gì nếu thiếu em đỏng đảnh... (Gửi em cô gái đỏng đảnh)

Như chiếc răng khểnh, tính đỏng đảnh của cô gái cũng có cái duyên riêng, cái hấp dẫn riêng mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Khi đã "một tỉnh mười mê" thì cái gì của người mình yêu cũng đẹp, kể cả cái "đong đưa": Trời sinh ra cái đong đưa/Đong đưa nụ cười, đong đưa con mắt/Từ khi có loài người trên trái đất/Có đàn bà thì có đong đưa.

Triết lý của Nguyễn Quang Hà là như vậy đó. Anh nói một cách bình dị, không "cao đàm, khoát luận" nên dễ đi vào lòng người. Cái lý của anh khó ai bắt bẻ, còn cái tình  thì thấm đẫm từng câu, từng chữ.

Trong những bài thơ tình của Nguyễn Quang Hà, có lẽ bài Con còng gió được nhiều người biết đến nhất: Yêu ngọn sóng ta chơi trò đuổi bắt/Bắt chước con còng em cũng chạy chữ chi/Nhưng em không lao vào ngọn sóng biến đi/Bao giờ em cũng để cho anh bắt được/Con còng gió bên bờ biển biếc/Giương đôi mắt tròn không hiểu vì sao.

Phải là người từng trải trên tình trường, rất vui tính và "dám nhìn thẳng vào sự thật", Nguyễn Quang Hà mới có nhận xét về đàn bà như sau: Ra ngoài đường gặp cô nào cũng dễ thương/Về ở nhà cô nào cũng dễ sợ. Đàn bà ghê gớm thế kia, ai dám yêu, dám lấy làm vợ. Ấy thế mà: Song nếu cho sống lại thời Adam và Eva/ Chắc chắn sẽ lại thêm một lần ăn trái cấm. Theo nhà thơ: Sống ở đời không có gì để chìm đắm/ Hẳn trần gian cũng không có con người (Không đề 3).

Đưa chất triết lý vào thơ trữ tình không dễ chút nào. Nguyễn Quang Hà triết lý mà không cao siêu, triết lý mà không lý sự, triết lý mà không dạy đời. Chất triết lý góp phần giúp cho thơ trữ tình nói chung và thơ Nguyễn Quang Hà nói riêng vừa có chiều sâu tư tưởng, vừa có tầm cao trí tuệ.

MAI VĂN HOAN