Chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực tư pháp

Thứ hai, 20/03/2023 21:35
Ngày 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn.

Chú trọng thu hồi tài sản trong án tham nhũng, kinh tế

Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nhận định, việc thu hồi tài sản các vụ án về kinh tế, tham nhũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ghi nhận. Qua theo dõi, hiện nay, một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi tài sản vẫn chậm. Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng, đây được coi là một điểm nghẽn. Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cho biết quan điểm, hướng xử lý của ngành về vấn đề này? Bên cạnh đó, cử tri phản ánh, số lượng án khó thi hành không nhiều, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định xã hội, khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng trên?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, việc thu hồi tài sản vẫn còn ít, chưa được như mong muốn của Quốc hội và người dân. Đại biểu chất vấn, thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết,về tài sản tham nhũng, trên thế giới cũng như Việt Nam, việc thu hồi không hoàn toàn triệt để. “Theo tổng kết, 10 năm qua, chúng ta thu được khoảng 40% số tài sản tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh. Tuy nhiên, muốn thu hồi được tài sản, các cơ quan phải chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, việc này không đơn giản. Do đó, cần nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc. Nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành Tư pháp nói chung và hệ thống thi hành án dân sự nói riêng. Thời gian qua, kết quả đạt được khá tích cực. Trong 5 tháng (từ tháng 10-2022 đến nay), các cơ quan đã thu được trên 17.000 tỷ đồng, xét về số lượng tuyệt đối đã tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp cũng thừa nhận còn khá nhiều vấn đề đặt ra. Đó là khó khăn từ bản thân vụ án như: tài sản trong các vụ án lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó là nguồn gốc, tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên, đưa ra xử lý phức tạp và mất nhiều thời gian làm rõ. Có trường hợp cần xác minh tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng, tài sản của người phạm tội và tài sản của người ngay tình đến mức nào, đặc biệt là tài sản chung như tài sản vợ chồng, tài sản của hộ gia đình, tài sản của các sở hữu khác nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục bám sát, thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; bám sát các ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm... Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội… tăng cường quá trình giám sát; hạn chế tình trạng tẩu tán, giấu các tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế.

Theo Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao cho biết, về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các tòa án đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo. Trong đó, năm 2022, các tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...

Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ tòa án vi phạm

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề, trong những năm qua, ngành Tòa án đã triển khai nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực. Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành tòa án nhân dân xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Do đó, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung trên, đồng thời làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành trong thời gian tới.

Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định quan điểm không bao che và tất cả các thẩm phán vi phạm đều bị xử lý nghiêm với nguyên tắc không có vùng cấm. Ngành cũng liên tục kiểm tra, giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm cho thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành bộ quy tắc cho thẩm phán, đã được giảng dạy trong trường của hệ thống tòa án. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành quy định về xử lý các vi phạm của thẩm phán. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiện biên chế của toàn ngành là 15.500 người. Trong khi đó, số cán bộ nghỉ hàng năm khoảng 4,5% (khoảng 700-800 người). Mỗi năm Học viện Tòa án chỉ được tuyển 300 người nên còn khoảng một nửa chỉ tiêu toà án phải tuyển người ngoài ngành.

"Thông thường, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển các sinh viên trường ngoài hệ thống tòa án có học lực giỏi, xuất sắc để không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng", Chánh án cho biết.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) phản ánh thực tế, tổ chức bộ máy một số tòa án chưa thực sự khoa học, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn. Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ giải pháp để khắc phục những hạn chế này? Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết mô hình tổ chức bộ máy tòa án chưa hợp lý và đang tiến hành khắc phục bằng các giải pháp căn cơ. Một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu nhưng không có thẩm phán chuyên biệt, không có tòa chuyên trách để giải quyết nên hiệu quả rất khiêm tốn. Vì vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa chuyên biệt để khắc phục tình trạng này.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tổ chức bộ máy tòa án chưa thực sự hợp lý theo quy mô nền kinh tế, dân số và số lượng các vụ việc mà đang tổ chức đồng đều. Theo quy định phải có 8 người một tòa án cấp huyện, trong khi nhiều huyện một năm chỉ xử rất ít án như Lai Châu, Bắc Kạn (chỉ 1-2 vụ/thẩm phán mỗi năm), trong khi Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều.Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi bằng những giải pháp mang tính căn cơ.

Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Kiểm sát

Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, các đại biểu tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; tăng cường rà soát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu chất vấn Viện trưởng Lê Minh Trí có những chỉ đạo và biện pháp nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư?

Cũng theo đại biểu Phương Hoa, vừa qua thực tế khi thực thi công vụ bên cạnh những việc làm được, đột phá, không có yếu tố vụ lợi nhưng cũng có những việc còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. Đại biểu chất vấn Viện trưởng về quan điểm và các giải pháp để vừa không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng vừa đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, việc chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành Kiểm sát. Kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát năm sau tốt hơn năm trước, hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội. Tỷ lệ oan, sai cũng giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm.

Ông Lê Minh Trí cũng chia sẻ, vừa chống oan sai và vừa chống bỏ lọt tội phạm là thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ. Do đó, toàn ngành Kiểm sát phải quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Trong những năm qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng ra những chỉ thị, chuyên đề riêng về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; đưa ra các giải pháp cụ thể.

Về nghiệp vụ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu; tập trung làm tốt thụ lý tin báo tố giác tội phạm, hạn chế để lọt tội phạm. Kiểm sát viên phải thu thập chứng cứ, điều tra theo hai hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền của người bị buộc tội; trọng chứng hơn trọng cung; không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đó...

“có thể xem xét miễn, giảm, tha nhưng luật hiện hành còn vướng mắc”

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, trong phòng, chống tham nhũng cần xử lý nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn các vụ án cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tham mưu không chính xác, đầy đủ và cấp trên không kiểm soát được công việc nên ra quyết định rủi ro. Các trường hợp này nếu chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai đã sửa, giúp cơ quan chức năng thì có thể xem xét miễn, giảm, tha nhưng luật hiện hành còn có vướng mắc.

Vừa qua như vụ Việt Á đã được nghiên cứu đề nghị cấp có thẩm quyền phân hóa các trường hợp cần xử lý, trong đó có vi phạm phải xử lý nghiêm, có vi phạm xử lý kỷ luật Đảng, có loại xử lý hành chính. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, Đảng đã có Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Viện trưởng đề nghị cụ thể hóa nội dung này bằng các quy định của pháp luật. "Đây là việc lớn, đề nghị cần có sự đồng bộ, có chỉ đạo, phân công để các cơ quan ngồi cùng với nhau, cùng rà soát, điều chỉnh về các điều luật, chính sách hình sự, ví dụ như quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng bị xử lý hình sự..." - Viện trưởng nhấn mạnh.

Để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, trước hết là hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường công khai, minh bạch trong hệ thống quản lý xã hội, nhà nước, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, vì có công khai, có minh bạch thì mới kiểm soát được. Việc thứ hai là hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ để áp dụng, không thể làm khác được.

Hiện nay trong những nguyên nhân tồn tại ở những cơ quan tư pháp thì có nguyên nhân về những văn bản hướng dẫn chưa đáp ứng kịp thời nên dẫn đến nhận thức, áp dụng quy định pháp luật còn khác nhau... Viện trưởng lấy ví dụ như vấn đề đấu giá đất, Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản thì không. Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, ông Lê Minh Trí kiến nghị bịt các "lỗ hổng" trong quy định pháp luật; đồng thời có lộ trình hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn.

N.L (tổng hợp)