Châu Âu và mối lo từ biến thể Delta
Biến thể Delta đang hoành hành khắp Châu Âu và nhiều quốc gia phải tiếp tục cuộc chạy đua với đại dịch COVID-19 bằng cách kết hợp giữa những hạn chế mới nhằm phòng dịch và đẩy nhanh tốc độ, quy mô tiêm chủng.
Những người biểu tình phản đối áp dụng cái gọi là "giấy thông hành COVID-19" ở Pháp. Ảnh: Reuters |
Cơ quan khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) hồi cuối tuần qua cho biết dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28-6 đến 117, biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước Châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. ECDC dự báo rằng đến cuối tháng 8, tỷ lệ này sẽ lên tới 90%.
Cho dù các loại vaccine hiện có được cho là cũng hiệu quả với biến thể này nhưng tính hiệu quả đó không cao đối với những người mới chỉ tiêm một mũi. Đáng chú ý hơn, biến thể Delta dường như đang lây lan nhanh nhất ở những người dưới 30 tuổi, nhóm dân số có tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 thấp nhất ở hầu hết các quốc gia Châu Âu.
Chuyên gia dịch tễ Daniel Altmann tại trường Imperial ở London, Anh nhận định: "Biến thể Delta khiến các nước sẽ phải thay đổi chiến lược ngăn chặn dịch bệnh, vì nó có thể gây ra những lây nhiễm xuyên thủng phòng tuyến ở những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ và ở những người trẻ". Chuyên gia này nhấn mạnh những người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn đang tự bảo vệ được khá tốt trước mọi biến thể, kể cả Delta. Họ ít có nguy cơ bị lây nhiễm, hoặc nếu có thì các triệu chứng bệnh cũng ít có khả năng trở thành nghiêm trọng. Vấn đề là có hàng trăm triệu người ở Châu Âu chưa đạt đến mức độ này.
Theo Francesco Luchetta, chuyên gia phân tích về virus gây Covid-19, các quốc gia Châu Âu đang kết hợp giữa những hạn chế phòng dịch với những đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng, dù một số nước thực hiện hai biện pháp này không cân bằng với nhau. Chuyên gia này đánh giá trước mắt, tỷ lệ lây nhiễm nhiều khả năng sẽ lại cao nhưng nhờ có nhiều người được tiêm cũng như các biện pháp điều trị được cải thiện hơn, làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ không gây nhiều ca tử vong hay ca bệnh nặng phải điều trị đặc biệt như trước.
Tại Italia, tuần qua chính phủ ra quy định từ ngày 6-8 yêu cầu mọi người phải có chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hay xác nhận có kháng thể từ lần nhiễm bệnh trước mới có thể vào nhà hàng phục vụ trong nhà, các cơ sở thể thao, giải trí... Động thái này dẫn tới không ít phản đối nhưng có tác dụng. Và lịch đặt tiêm vaccine đã tăng từ 15% đến 200% trong từng khu vực.
Tại Pháp, làn sóng biểu tình bùng phát sau khi Tổng thống Pháp Macron ra quyết định yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc với nhân viên y tế và yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận âm tính COVID-19 trong vòng 48 giờ hoặc đã tiêm chủng để được phép vào những địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim. Theo Reuters, ngày 24-7, những người biểu tình phản đối áp dụng cái gọi là "giấy thông hành COVID-19" ở Pháp, đã đụng độ với cảnh sát ở trung tâm thủ đô Paris, khiến cho các lực lượng chống bạo động phải sử dụng hơi cay. Ngoài thủ đô Paris, các cuộc biểu tình dự kiến cũng diễn ra ở các thành phố như Marseille, Montpellier, Nantes và Toulouse khi các nghị sĩ Pháp sẽ bỏ phiếu vào cuối tuần này về một dự luật do Chính phủ soạn thảo nhằm thiết lập thẻ y tế và bắt buộc nhân viên y tế phải tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Nhưng mối lo vẫn còn đó, và chú trọng hơn nữa là ván bài kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde mới đây đã cảnh báo tình hình kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vẫn tiềm ẩn bất ổn do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta. Bà Christine Lagarde cho biết, ECB có kế hoạch duy trì chính sách tiền tệ lỏng trong bối cảnh 19 quốc gia thành viên thuộc Eurozone đang phải đối mặt với mối đe dọa mới về kinh tế do sự lây lan của biến thể Delta. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh chóng, đe dọa kéo lùi đà khởi sắc trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch và khách sạn.
Theo số liệu được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tuần qua cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng đối với khu vực Eurozone đã giảm một cách "bất ngờ" trong tháng này, cho thấy sự bất ổn về kinh tế đang tồn tại trong khu vực.
KHẢ ANH