Chảy đi Cổ Cò sông

Thứ bảy, 06/11/2021 19:13

Năm 1989, tôi cùng hai nhà thơ Thanh Quế, Nguyễn Kim Huy và Huỳnh Thanh Tịnh biên soạn cuốn Truyền thống Cảng Đà Nẵng, đã có dịp tìm hiểu nhiều hơn về con sông Cổ Cò, hay sông Dài (Quê em có con sông Dài/ Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà- Ca dao), mà trong các thư tịch của triều Nguyễn ghi là Lộ Cảnh Giang, kết nối Cảng thị Hội An sầm uất với tiền cảng Đà Nẵng từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX. Thời ấy, tàu buôn nước ngoài đi vào ra Hội An qua hai cửa biển Đại Chiêm Hải khẩu (tức của Đại) và cửa Hàn, nhưng nhiều nhất vẫn là cửa Hàn. Thương thuyền các nước đi vào vịnh Đà Nẵng, ngược Hàn Giang, rồi theo sông Cổ Cò vào Hội An buôn bán. Hội An là thương cảng lớn nhất ở Đàng Trong, tương tự như là phố Hiến ở Đàng Ngoài, trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. 

Bìa trường ca “Sóng Cổ Cò vỗ nhịp”.

Thế nhưng bão lụt thường bồi lấp các con sông ở Quảng Nam. Triều đình Huế tổ chức nạo vét rất nhiều lần, nhưng chỉ một thời gian sau thì các sông này lại bị bồi lấp, lại phải nạo vét, khơi thông. Đối với các con sông chảy dọc theo bờ biển như Trường Giang, Cổ Cò, còn bị bão cát tấn công dữ dội, lòng sông vì thế thêm cạn. Lại nữa, vào năm 1835, vua Minh Mạng ra dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán”. Con sông Cổ Cò vì thế trở nên lặng lẽ, lòng sông cạn nhanh hơn. Sau khi vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng đất Đà Nẵng cho Pháp (3-10-1888), người Pháp xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng chính, nhưng vẫn kiên trì kết nối Đà Nẵng với Hội An. Trước tình hình sông Cổ Cò bị bồi lấp nặng, chính quyền “nhượng địa Tourane” đã cho xây dựng một tuyến đường sắt Đà Nẵng- Hội An, nhưng vào năm 1916, một trận bão cát cực lớn đã vùi lấp tuyến đường sắt này. Từ đó, Đà Nẵng và Hội An chỉ còn kết nối bằng đường bộ. Sông Cổ Cò không còn được ngó ngàng đến, càng bị bồi lấp, đứt gãy, có đoạn còn sông, có đoạn đã nên cồn bãi, ao đầm... Tuy vậy, con sông chảy dọc bờ biển Đà Nẵng và Hội An sôi động ngày nào vẫn chảy mãi trong tâm thức của người Quảng, như những câu thơ đầy thao thức và khát vọng trong trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp của nhà thơ Lê Anh Dũng: “Chảy đi Lộ Cảnh giang… Chảy đi Cổ Cò sông...”. 

Bây giờ thì những khát vọng ấy đang trở thành hiện thực. Việc khơi lại dòng chảy của sông Cổ Cò không chỉ là ước muốn khôi phục lại hình ảnh của một dòng sông quê hương đã từng vang bóng một thời, mà thiết thực hơn, việc khơi dòng con sông này được nghĩ theo cách nghĩ mới, như chủ đề của một cuộc hội thảo khoa học gần đây: “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá cho phát triển kinh tế- xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng”. Mục tiêu của Đà Nẵng trong những thập niên năm tới là xây dựng thành một trung tâm kinh tế lớn, một đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống. Mục tiêu của Hội An là xây dựng đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch, phát triển bền vững. Việc khơi thông sông Cổ Cò là một trong những niềm hy vọng của các mục tiêu đó. Dòng sông chỉ dài 27,5 km này sẽ kết nối đô thị hiện đại Đà Nẵng với TP Hội An, với Đô thị cổ Hội An Di sản văn hóa thế giới, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Đà Nẵng và Hội An như đôi cánh đại bàng để “Quảng Nam tung cánh chim Bằng” trong bài dân ca xứ Quảng thời chiến tranh mà ngày nay nhiều người Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn còn hay hát. Nhà thơ Lê Anh Dũng đã nắm được những điều cốt lõi ấy. Và bằng kinh nghiệm của một nhà thơ đã có sáu tập trường ca đã xuất bản, trong Sóng Cổ Cò vỗ nhịp, anh cứ theo sông mà đi, lượm nhặt và kể lại, chuyện sông, chuyện đất và người ở hai bên dòng sông; và với ý thức công dân, anh thắp lên những vần thơ hy vọng, mong mỏi khơi thông một dòng sông đã lấp, phát triển những vùng quê trù phú ven sông và nhất là sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Đà Nẵng và Hội An.  Ở mục “Đề từ”, mở đầu trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp, Lê Anh Dũng nhắc đến rất nhiều dòng sông lớn nhỏ của đất nước, từ sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, sông Mã, sông Lô, sông Vàm Cỏ…, rồi mới đi vào dòng sông chính của trường ca là sông Cổ Cò, với những câu thơ mộc mạc, giản dị nhưng đầy ý nghĩa: “Mẹ Cổ Cò mà lòng mênh mông”. Người xưa đặt tên sông là Cổ Cò vì con sông này có nhiều đoạn uốn khúc trông như cổ cò, nhưng dù là dòng sông nhỏ, nó đã chở biết bao nhiêu con thuyền qua nhiều thế kỷ, nó là con sông quê của biết bao thế hệ người đã sống ở đây, nó rộng mở và bao dung… Thế rồi, sau những lời đề từ ấy, Lê Anh Dũng dẫn người đọc theo sông Cổ Cò đến với Non Nước Ngũ Hành Sơn với chuyện xưa tích cũ và hương vị Thiền bàng bạc trong những hang động và ngôi chùa ở đây. Không chỉ nhắc đến vua Lê Thánh Tông, vua Minh Mạng, anh còn nhắc đến cả Thiền sư Thích Đại Sán, người Trung Hoa, từng đi trên dòng sông này khi được Võ Vương Nguyễn Phúc Chu mời thăm xứ Đàng Trong (1695). Để từ đó, anh đưa chúng ta đi qua Chợ Cầu (Điện Dương, Điện Bàn), với câu ca dao quen thuộc: “Bồng em mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An”;  rồi lại tiếp tục đưa chúng ta đi qua rừng dừa Cẩm Thanh  và làng rau Trà Quế. Tôi đã từng đi trong rừng dừa Cẩm Thanh với nhà thơ Vũ Minh - một nhà thơ nổi tiếng mau nước mắt của Hội An, nên thật thú vị khi đọc những câu thơ này trong trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp: “Bồng bềnh thuyền, bồng bềnh mây/ Bềnh bồng dừa nước, hây hây nắng vàng/ Chim, cò, sáo sậu reo vang/ “Miền Tây thu nhỏ” Hội An ngỡ ngàng”. Lê Anh Dũng viết về làng rau Trà Quế với cả sự hiểu biết và âu yếm, như thể anh quá thân thuộc với làng rau nổi tiếng này: “Cha đưa nước từ sông/ Mẹ mưa nắng chăm trồng/ Tay em gieo mầm sống/ Xanh từng luống nõn non”. Và anh giả sử nếu đặt tên mới cho làng Trà Quế anh sẽ đặt là làng Thơm, vì quanh năm, làng Trà Quế tỏa mùi hương thơm tho của các loại rau như: ngò, cải, hẹ, húng, é… 

Sông Cổ Cò đoạn Đà Nẵng. 

Và sau khi đi dọc hết dòng sông Cổ Cò, Lê Anh Dũng bắt đầu chuyển giọng, hào hứng, say sưa với chủ đề mang tính thời sự, nóng hôi hổi về sự khai thông dòng sông này, mà theo cách anh gọi là “khai thông mạch nguồn”, “miệt mài dòng chảy”, trong đó có mạch nguồn xa xưa và cuộc sống mới, náo nức, sôi động, hiện đại. Sự sắp xếp của các khổ thơ không còn theo thời gian nữa; xưa và nay, truyền thuyết và thực tế trùng điệp lên nhau, qua đó ta thấy được một tính cách của con người nơi đây, quyết liệt ủng hộ cái mới, sẵn sàng dứt bỏ cái cũ, nhưng nặng tình với những gì đã làm nên truyền thống và bản sắc. Ở đây, ta sẽ thấy Huyền Trân Công Chúa trở thành Đức Bà bày dạy cho dân “Trồng dâu, dệt lụa, may đan, thêu thùa”, ở đây ta thấy “Thổ Sơn có đá nâu chàm/ Mộc Sơn đá trắng, Thủy Sơn đá hồng” của Ngũ Hành Sơn nhuốm màu tâm linh. Và ở đỉnh điểm của cao trào, Lê Anh Dũng như hát lên: “Chảy đi Lộ Cảnh Giang/Chảy ngút ngàn cổ tích/Thức dậy bao trầm tích/ Vùng lịch sử âm vang/ Chảy đi Cổ Cò sông/ Nối hai vùng di sản…”. Qua trường ca này, tôi càng thấm thía: Cổ Cò đích thực là dòng sông di sản chảy mênh mang ký ức, đánh thức một thời giao thương phồn thịnh, rực rỡ của Đà Nẵng, Hội An qua các thương thuyền nhiều nước qua làm ăn với xứ Quảng từ cửa Hàn đến cửa Đại, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng...

Thế là Lê Anh Dũng, với tư cách nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử đã có thêm trường ca thứ bảy, cùng với đó là 8 tập thơ và 2 tập kỷ đã xuất bản. Trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp là trường ca mới nhất, dày dặn trầm tích, lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân gian của cả vùng đất Đà Nẵng, Quảng Nam, thể hiện sức viết dồi dào, sung mãn của anh. Nếu phải góp điều gì đó cho Lê Anh Dũng, tôi chỉ muốn nói rằng: thơ càng giản dị càng hay; và nếu chịu khó một chút nữa thì chắc chắn anh sẽ tránh được những khổ thơ trùng lắp về ý và tứ thơ…  

Khi tôi ngồi viết những dòng này về trường ca Sóng Cổ Cò vỗ nhịp của Lê Anh Dũng, Đà Nẵng đã vừa tổ chức khánh thành một công trình đường bộ và cầu bắc qua sông Cổ Cò trên địa bàn Ngũ Hành Sơn. Công việc khơi thông dòng sông này đang được tiến triển thuận lợi. Lộ Cảnh Giang sẽ thông dòng và sóng Cổ Cò sẽ vỗ nhịp như ước muốn của người dân Đà Nẵng và Quảng Nam.   

Đà Nẵng, ngày 31-10-2021

BÙI XUÂN

(Nhân đọc Trường ca Sóng Cổ Cò   vỗ nhịp của Lê Anh Dũng)