Cháy mãi niềm tự hào
Những ngày tháng 4 này, khắp nơi trên quê hương Quảng Trị hướng về ngày hội lớn kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh nhà (1-5-1972 - 1-5-2022) và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972-2022). Tròn nửa thế kỷ đã qua, niềm tự hào về một thời hào hùng như ngọn lửa cháy mãi. Vào khoảng 11 giờ 30 ngày 30-3-1972, bộ đội ta nổ súng mở màn cuộc tiến công trên chiến trường Trị-Thiên. Chỉ sau hai ngày, lớp vỏ cứng vòng ngoài tuyến phòng thủ của địch đã bị đập vỡ; ngày 2-4-1972, toàn bộ quân địch trên tuyến Cửa Việt – Động Toàn bị quét sạch. Sau 5 ngày, hai huyện Cam Lộ và Gio Linh được giải phóng hoàn toàn.
Giới tuyến quân sự tạm thời sông Bến Hải không còn là nỗi đau chia cắt đất nước, vùng giải phóng Quảng Trị mở rộng từ miền Tây đến vùng ven biển đã nối liền với Vĩnh Linh, Quảng Bình, với hậu phương lớn miền Bắc. Ngày 28-4-1972, từ bàn đạp Cửa Việt, các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ tiến công đột phá vào hệ thống phòng thủ của địch dọc theo vùng đồng bằng ven biển Triệu – Hải, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thọc sâu, vu hồi, đánh hiểm vào sau lưng địch, tạo điều kiện cùng quân và dân toàn mặt trận kết hợp tiến công nổi dậy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Trong niềm xúc động nhớ về ngày chiến thắng ấy, được gặp gỡ người từng tham gia chiến đấu, hay đến thăm bất kỳ di tích lịch sử trên quê hương Quảng Trị lúc này sẽ là dịp để thấu hiểu hơn về thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn. Và di tích Nhà vòm Sân bay tại khu phố 5, P.5, TP Đông Hà là một điểm đến như thế. Theo sử liệu, do vị trí quan trọng của Đông Hà, vừa là tuyến đầu của chiến trường miền Nam, vừa tiếp giáp với hậu phương miền Bắc nên Mỹ - Ngụy tập trung xây dựng nơi đây thành một cứ điểm quân sự mạnh nhất của chiến trường Trị - Thiên để một mặt ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, bao gồm xây dựng sân bay quân sự Đông Hà những năm 1965 – 1966 với một hệ thống nhà vòm để máy bay chiến đấu, vận tải quy mô lớn. Trong chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, sau khi ta phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, giải phóng hai huyện Gio Linh, Cam Lộ, quân đội Mỹ - Ngụy thất thủ chạy về Đông Hà, cố gắng chiếm đóng các cao điểm quanh thành phố và lập các căn cứ lớn. Nhưng chỉ trong 20 ngày, quân ta lần lượt phá tan các cứ điểm phòng thủ vành đai, đúng 5 giờ 15 phút ngày 28-4-1972, cuộc tiến công quy mô, toàn diện vào cụm cứ điểm Đông Hà bắt đầu. Sân bay Đông Hà, nằm trong tầm pháo kích của quân giải phóng. Sau nhiều trận công kích và chiến đấu quyết liệt quân giải phóng đã chiếm được khu sân bay và toàn bộ cụm cứ điểm Đông Hà. Nhà vòm sân bay là nơi quân giải phóng cắm cờ chiến thắng đầu tiên lên căn cứ Đông Hà. Dấu tích còn lại của nhà vòm hôm nay được giữ gìn và còn được bảo vệ bởi tinh thần trách nhiệm của những người dân khu phố 5, chính là góp phần hun đúc cho tình yêu quê hương, đất nước thêm sâu đậm đối với lớp trẻ hôm nay.
Rời di tích Nhà vòm sân bay, chúng tôi tiếp tục gặp một nhân vật với nhiều câu chuyện xúc động về đồng đội, về thanh xuân dâng trọn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là nữ thương binh 4/4 Nguyễn Thị Trung Thành (1954), cũng là chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Nơi ở của bà rẽ vào trong kiệt 46 đường Kim Đồng (P.2, TP Đông Hà), chỉ vài trăm bước chân là ra tới di tích Cảng quân sự Đông Hà ở bờ nam sông Hiếu. Cuộc trò chuyện giữa bà và chúng tôi có lúc phải gián đoạn vì lý do sức khỏe bị ảnh hưởng từ di chứng vết thương chiến tranh, nhiễm chất độc da cam nên có những lớp ký ức phải cần thời gian gợi mở. Nhưng càng kiên trì chúng tôi càng như được cuốn vào niềm xúc động những năm tháng kiên cường ấy. Bà Thành quê ở Gia Độ, xã Triệu Độ, H.Triệu Phong, tham gia làm giao liên của xã từ khi mới 14 tuổi.
Đến năm 1972 (18 tuổi), bà thuộc đội du kích thôn Gia Độ anh dũng và can trường. Bà cũng đi theo chiến trường rồi đưa thương binh trở ra Vĩnh Linh, tải lương thực cho đơn vị bộ đội chiến đấu. Những giao liên như bà đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng giải phóng Quảng Trị. Sau sự kiện này, chiến lược chiến tranh cũng như mọi âm mưu tính toán đen tối của đế quốc Mỹ đối với cách mạng Việt Nam bị đảo lộn nghiêm trọng. Trong một nỗ lực tuyệt vọng, từ đầu tháng 6-1972, Mỹ - Ngụy huy động cả lực lượng tổng dự bị, sử dụng hỏa lực tối đa, mở các cuộc hành quân lớn điên cuồng phản kích hòng tái chiếm vùng giải phóng, mà trọng điểm là TX Quảng Trị.
Trong bối cảnh đó, bộ đội bảo vệ Thành Cổ phải chiến đấu dài ngày trong điều kiện thiếu ăn, thiếu thuốc men, tiết kiệm từng viên đạn giữa vòng vây của địch, thương vong ngày càng lớn... Từng lớp bộ đội từ phía Bắc được chi viện liên tục cho chiến trường trong 81 ngày đêm máu lửa ấy. Và bà Thành cùng với du kích Gia Độ và nhiều địa bàn ở Triệu Phong tiếp tục nhiệm vụ liên lạc, dẫn đường cho bộ đội vào chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Nhớ lại những ngày tháng bi hùng, bà Thành lại ngân ngấn nước mắt. Tháng 10-1972 bà bị thương khi được Đội du kích Gia Độ điều động lên tuyến trước, tiến vào chốt Long Quang (xã Triệu Trạch) để kết hợp với bộ đội chiến đấu đánh địch. Tại trận đánh ác liệt này, bà Thành đã bị pháo kích, thương tích nặng. Sau đó bà được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị. Khi sức khỏe ổn, bà Thành nhanh chóng quay lại đơn vị chiến đấu. Ở tuổi 18 đẹp nhất đời người, bà đã cống hiến như thế. Nhiều tình cảm và ký ức lại dội về trong bà khiến chúng tôi cảm động theo sau lần bị thương ấy. Đó là trong một lần bị địch bao vây, trải qua nhiều ngày bị đói, khát, thương tích, bà Thành và đồng đội đã kiệt sức. Trong tình huống gian nguy, một đơn vị bộ đội thuộc K14 đã phá được vòng vây của địch vào giải cứu, trong đó có đồng chí chính trị viên Bùi Xuân Lưỡng. Nhìn thấy đồng chí Lưỡng, bà Thành thều thào “Chú ơi, cháu đói quá”. Người lính Cụ Hồ lục túi tìm được nửa miếng lương khô duy nhất còn sót lại sau nhiều ngày chiến đấu và trao ngay cho cô du kích nhỏ. Với bà Thành, miếng lương khô đã hồi sinh sức lực chiến đấu kỳ diệu, cũng là ký ức ấm áp theo bà đến bây giờ.
Lại nói đến đời sống hiện tại của nữ thương binh, chúng tôi không giấu được chạnh lòng khi bà còn nhiều khó khăn, nhất là nơi ở sau khi gia đình gặp biến cố phải chuyển từ TX Quảng Trị ra ở cùng gia đình con gái tại P.2 trong ngôi nhà cấp 4 chật chội. Dù vậy, bà Thành vẫn giữ một “tinh thần thép” để vượt qua sóng gió, tần tảo mưu sinh. Và chúng tôi đã hiểu được chính ký ức thanh xuân đầy tự hào là một trong những dòng sức mạnh thôi thúc bà kiên cường vươn lên, cũng là tâm niệm sống xứng đáng với những hy sinh xương máu mà đồng đội và thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền hòa bình, cho non sống thống nhất, đất nước phát triển như hôm nay.
Bảo Hà