"Chạy thận nhân... đạo"

Thứ hai, 09/01/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Đến giờ phút này, nơi duy nhất Việt Nam bệnh nhân chạy thận nhân tạo không tốn một xu là Đà Nẵng. Kể từ 1-6-2011, TP đứng ra lo hết chi phí chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân người Quảng Nam - Đà Nẵng. Là thực mà nhiều bệnh nhân cứ ngỡ như mơ!

Thêm một lần sống

Võ Như Trọng (1983) ở Điện Nam Trung - Điện Bàn (Quảng Nam) bắt đầu chạy thận từ năm 16 tuổi. Đều đặn mỗi tuần ba lần, ngày nắng cũng như mưa bão, Trọng ra Đà Nẵng chạy thận. Cái việc này đã theo anh hơn 10 năm và sẽ tiếp tục chưa biết khi nào dừng. Chi phí mỗi lần chạy thận 4 trăm ngàn, chưa kể khoảng 3 trăm ngàn thuốc tạo hồng cầu. Như vậy, dù có BHYT hộ nghèo chỉ phải chi trả 5% thì cộng dồn mỗi tháng, Trọng cũng tốn hơn 1 triệu đồng. Gia đình thuần nông, kinh tế khốn khó, số tiền ấy với Trọng lớn lắm. Càng ngặt hơn, tuần nào cũng phải chạy thận, ngừng vài lần là nguy hiểm tới tính mạng. Thành thử, cứ gồng, cứ xoay... đến nỗi tiền trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng thường trực trong đầu. Vậy mà, một buổi sáng chạy thận như bao lần trong nỗi lo kinh phí ngập tràn trong đầu, Trọng được thông báo một tin bất ngờ: TP sẽ lo hết kinh phí chạy thận cho anh. Trọng và người nhà mừng đến khóc.

Hơn 6 tháng rồi, khi được hỏi, chị Nguyễn Thị Thu Sương (1960) ở 115- Nguyễn Chánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn trả lời trong nỗi mừng run rẩy. Không có con, chồng chết sớm, bản thân lại mang bệnh hiểm, chị buộc phải sống nhờ người em ruột. Đều đặn mỗi tháng gần 800 ngàn chi phí chạy thận phải nương nhờ em. Dẫu tình chị em vẫn mặn mà son sắc song cái cảm giác không làm ra tiền, lại phải nhờ cậy khiến chị thấy mình là gánh nặng, sống thừa. Sự bế tắc và suy nghĩ miên man luôn thường trực trong đầu chị không thể nào giải thoát. Và rồi, khi tiếp nhận tin vui ấy, là thật mà chị cứ ngỡ như mơ. Chị bảo, vậy là mình thêm một lần được sống.

 Nụ cười đã trở lại với chị Thu Sương. Ảnh: V.T

Gần 5 năm chạy thận, anh Nguyễn Tài (52 tuổi) ở 12/1-Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) luôn ngập chìm trong lo lắng. Trước đây anh là thợ sắt, trụ cột kinh tế trong gia đình, nhưng giờ anh trở thành người ăn bám vợ. Chị Phạm Thị Diệu Thảo đã phải xoay đủ nghề để kiếm tiền nuôi hai con học đại học đồng thời lo chạy thận cho chồng. Cái nghề nào cũng cơ cực, mà vẫn không "gánh" nổi gia đình. Cuối cùng, chị chọn bán cà-phê cóc vỉa hè, kiếm thu nhập mỗi ngày hơn trăm ngàn. Khi còn phải lo kinh phí chạy thận cho chồng, chuyện phải vay mượn cái ăn, cái mặc như cơm bữa. Nhưng từ khi không phải lo khoản kinh phí này nữa, gánh nặng đã vơi bớt trên đôi vai chị. Chị Thảo nói: "Tôi không biết mình có thể trụ được bao lâu nữa với bệnh của chồng. Nhưng giờ tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Nhờ TP quan tâm, tôi thấy có niềm tin. Tôi nghĩ mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều gia đình có người thân phải chạy thận ở các bệnh viện trên cả nước".

Còn hàng trăm bệnh nhân chạy thận nữa ở Đà Nẵng mà chúng tôi không nêu hết được, nhưng dám chắc, họ cùng có chung niềm hạnh phúc, niềm tin như một lần được tái sinh.

 Không chỉ có máy mới, các bệnh nhân chạy thận còn được điều trị miễn phí.

Thắp sáng yêu thương

BS Nguyễn Hữu Đa- Trưởng khoa Chạy thận nhân tạo BV Đà Nẵng chia sẻ, trước đây người ta cứ nghĩ mắc bệnh thận coi như cuộc đời đã bỏ đi, trở thành gánh nặng cho người thân. Nhưng với tiến bộ khoa học ngày nay, nếu chạy thận tốt, bệnh nhân có thể sống như người bình thường. Ông kể câu chuyện hơn 20 năm trước, người bệnh níu tay ông bảo xin hãy cứu chị để nhìn thấy con lớn, cháu còn nhỏ quá. Tới giờ, chị vẫn sống bình thường, con chị không những lớn mà đã đi lấy chồng. Vậy, người bị thận không phải gánh nặng, họ vẫn còn giá trị sống, giá trị tinh thần lớn lao đối với người thân. Điều đáng lo ở đây là chi phí theo họ cả đời, cái gánh nặng quá lớn họ không đủ sức đeo địu trường kỳ. Và, gánh nặng ấy, hơn hết, cần sự san sẻ, nâng đỡ của Nhà nước, các nhà hảo tâm. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thấu hiểu tận cùng gánh nặng ấy và có sự chia sẻ kịp thời. "Với người chạy thận, điều đấy ý nghĩa hơn tất cả"- BS Đa nhấn mạnh.

BS Trần Ngọc Thạnh- Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết, có khoảng 180 bệnh nhân thường xuyên chạy thận tại BV. Tùy theo BHYT, có người phải chi trả 20%, có người 5%, và nếu tính tổng chi phí TP chi trả thay cho họ mỗi tháng hơn 65 triệu đồng. Số tiền ấy có thể không lớn với TP hay DN nhưng với gia đình bệnh nhân chạy thận, đó là một tài sản và cũng chính là cuộc sống của họ. Không chỉ hỗ trợ kinh phí chạy thận, lãnh đạo TP cũng quan tâm chi cho BV 8 tỷ đồng để mua 16 máy chạy thận nhân tạo mới, nâng tổng số máy lên 41 cái. Với số máy này, về cơ bản đáp ứng hết nhu cầu của bệnh nhân chạy thận.

"Ở đâu đó, giữa bộn bề nỗi lo chữa trị, người bệnh đi thang máy, gửi xe... cũng phải trả phí, thì ở Đà Nẵng không như thế. Từ thuê người giữ xe cho dân vào viện tới trả tiền chạy thận thay cho người bệnh, sự sẻ chia ấy của chính quyền TP khiến người bệnh thực sự ấm lòng"- BS Trần Ngọc Thạnh bộc bạch. Từ những câu chuyện như vậy, những người hoài nghi nhất cũng sẽ tin tưởng rằng, Đà Nẵng ngày một đi dần đến cái đích "Thành phố đáng sống"...

Hải Hậu