Chế Lan Viên – nhà thơ xuất sắc đưa nền thơ dân tộc lên đỉnh cao
Sáng 27-10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920-2020) với sự tham dự của đông đảo các thế hệ nhà văn, nhà nghiên cứu, độc giả và đại diện gia đình nhà thơ.
Đại biểu trình bày tham luận tại lễ kỷ niệm. |
Trong cuộc đời sáng tác, nhà thơ Chế Lan Viên để lại nhiều tác phẩm giá trị ở cả thể loại thơ, văn, tiểu luận phê bình. Đáng chú ý là các tập thơ "Điêu tàn", "Ánh sáng và phù sa", "Hoa ngày thường - Chim báo bão", "Những bài thơ đánh giặc", "Đối thoại mới", "Hoa trên đá", các tập văn "Vàng sao", "Những ngày nổi giận", "Bác về quê ta", "Giờ của đô thành"... Trong đó, có nhiều bài thơ được các thế hệ độc giả yêu mến như "Người đi tìm hình của nước", "Tiếng hát con tàu", "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?"...
Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 1996.
Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Chế Lan Viên là một nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ mới, góp phần đưa nền thơ dân tộc lên đỉnh cao. Giáo sư Hà Minh Đức đánh giá, một tập thơ "Điêu tàn" và một tập văn "Vàng sao" đã xác lập cho Chế Lan Viên một chỗ đứng vững chắc, một tầm cao lay động cách cảm nghĩ của nhiều người. Giáo sư Phong Lê cũng cho rằng, Chế Lan Viên là kiện tướng của phong trào Thơ mới, mở ra thời hiện đại cho thơ Việt. Thơ của ông thể hiện sự trí tuệ, thông minh, sắc sảo, ngôn từ độc đáo, giàu chất sử thi và cảm hứng lãng mạn...
Tại lễ kỷ niệm, các nhà nghiên cứu, nhà văn đã phát biểu, chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và những kỷ niệm về nhà thơ Chế Lan Viên. Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học phối hợp với NXB Văn học cho ra mắt cuốn "Chế Lan Viên tuyển tập" (Văn xuôi nghệ thuật), do nhà văn Vũ Thị Thường tuyển chọn.
C.L