Chiến công đặc biệt mừng sinh nhật Bác

Thứ năm, 19/05/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Đọc sách “Nhớ mãi ngày sinh Bác Hồ” (NXB Văn hóa-Thông tin) của TS. Trần Viết Hoàn – người cảnh vệ gắn bó lâu năm nhất với Bác, ở bên Người trong 3 năm cuối ở nhà sàn và 16 năm ở cương vị Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, tôi cứ đọc đi đọc lại đoạn: “Chiều 18-5 (năm 1969 - NV), anh em trong cơ quan tổ chức mừng thọ Bác. Người xuống dự và vui vẻ báo tin: “Đêm 13, rạng ngày 14-5, quân giải phóng lại bắn súng lớn vào sân bay Đà Nẵng, gây nhiều đám cháy và tiếng nổ dữ dội làm chấn động cả một vùng. Đây là lần thứ 3, kể từ đêm 11-5, sân bay Đà Nẵng bị pháo binh quân giải phóng bắn phá”. Mọi người phấn khởi thưa Bác đó là quân và dân miền Nam lập công mừng sinh nhật lần thứ 79 của Người”. Được Bác quan tâm đặc biệt như vậy quả là một chiến công xuất sắc của quân và dân Đà Nẵng mừng sinh nhật cuối cùng của Bác. Tôi quyết định đi tìm đơn vị đã bắn pháo sân bay Đà Nẵng những ngày tháng Năm năm ấy…

Tìm đến nhiều cựu chiến binh để hỏi “tung tích” về đơn vị pháo binh đã bắn phá sân bay Đà Nẵng, nhưng nhiều người không còn nhớ. Một cựu chiến binh xoa tay lên trán hồi lâu mới nói: “Có thể là Trung đoàn pháo binh 575”. Tôi quyết định dò tìm thông tin về Trung đoàn pháo binh 575, song phải mất một thời gian khá lâu mới tình cờ tìm được số điện thoại của một cựu chiến binh trung đoàn này hiện đang ở Hà Nội. Người cựu chiến binh ấy khẳng định chắc nịch: “Bắn pháo vào sân bay Đà Nẵng những năm ấy chỉ có Trung đoàn tôi thôi. Nhưng lâu rồi không nhớ rõ. Tôi sẽ liên lạc với anh Phạm Dưỡng – nguyên Chính trị viên Trung đoàn để hỏi và cho anh số điện thoại của Ban liên lạc Trung đoàn tại Đà Nẵng để anh tìm hiểu thêm”.

Những cựu chiến binh Trung đoàn pháo binh 575 trước Đài kỷ niệm chiến thắng. 

Cựu chiến binh Nguyễn Huy Hoán (cán bộ hưu trí P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) - Nguyên Trợ lý tham mưu Đoàn pháo binh 575 - Mặt trận 44 Quảng Đà sau đó có nói: “Anh tìm thông tin về đơn vị khó cũng phải. Lúc đầu đơn vị có 2.200 cán bộ chiến sĩ, nhưng sau 10 năm (1965-1975) chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà, đóng quân ở Hòa Vang, Điện Bàn có 800 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, chưa kể số bị thương, mất sức chiến đấu, thuyên chuyển đơn vị. Đơn vị được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1975 chỉ còn lại 200 người, sáp nhập vào đơn vị khác, mất luôn phiên hiệu của một Trung đoàn sau đó là Tiểu đoàn 575 danh tiếng với rất nhiều trận đánh vào sân bay Đà Nẵng, quân cảng Đà Nẵng, các kho hậu cần của địch tại căn cứ quân sự khổng lồ Đà Nẵng… gây cho địch nhiều thiệt hại nặng, có tiếng vang lớn, hả hê”. Tôi mở sách “Nhớ mãi ngày sinh Bác Hồ”, cựu chiến binh Hoán đọc đi đọc lại đoạn pháo binh quân giải phóng bắn phá sân bay Đà Nẵng vào dịp sinh nhật cuối cùng của Bác và xúc động: “Thật vinh dự cho trung đoàn tôi!” Sau ít ngày liên lạc với những đồng đội ở khắp miền Bắc, cuối cùng cựu chiến binh Hoán cũng cung cấp cho tôi một trang viết tay tư liệu về những trận đánh năm ấy.

Những ai từng sống và chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà năm 1969, năm sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) sẽ biết thế nào là đói, gian khổ, chết và hi sinh do đói, sốt rét, ăn nhầm lá độc, nấm độc, hổ vồ, pháo bầy, Mỹ-ngụy lùng sục, biệt kích bắn chết... Nhắc đến điều ấy để thấy, để có một trận pháo kích vào sân bay Đà Nẵng và nhiều điểm của căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy tại miền Trung vào những ngày tháng 5-1969, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn pháo binh 575 và những đoàn dân công phục vụ trận đánh phải trải qua bao vất vả, hi sinh. Những năm tháng gian khó ấy, mỗi cán bộ chiến sĩ như thấy có Bác cùng ra trận. Thấy Bác tươi cười, ân cần động viên chiến sĩ ở trường bắn Sơn Tây (ngày 6-1-1966) khi bắn thử một loại pháo mới của Liên Xô chi viện: “Các chú bắn rất tốt!” và dặn dò: “Đây là loại vũ khí mới của nước bạn, các chú vinh dự được sử dụng đầu tiên. Các chú phải cố gắng học tập giỏi, vào chiến trường phải đánh thắng, bắn trúng. Đạn của các chú bay lên, bọn Mỹ-ngụy phải kinh hoàng khiếp sợ”.

Như có Bác trên đường hành quân, chiến sĩ chân đồng, vai sắt vác pháo vào chiến trường an toàn, để rồi Tiểu đoàn 99 mở trận tập kích đầu tiên vào sân bay Đà Nẵng rạng sáng 27-2-1967 bằng loại tên lửa A12, phá hủy 112 máy bay, 270 xe quân sự,1.685 tên Mỹ-ngụy chết và bị thương. 5 tháng sau, lần đầu tiên, cả trung đoàn đồng loạt đánh vào sân bay Đà Nẵng vào đêm 14-7-1967, phá hủy 87 máy bay, 250 xe quân sự các loại, làm nổ tung kho chứa bom, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 548 tên địch, phần lớn là nhân viên kỹ thuật, giặc lái máy bay Mỹ, sân bay bị tê liệt hoàn toàn...”. Thời điểm đó, tên đại tá Ma-loi, chỉ huy trưởng sân bay Đà Nẵng thú nhận: “Trận đánh của Việt Cộng gây thiệt hại lớn nhất so với các sân bay của chúng tôi bị đánh từ trước tới nay ở Việt Nam”.

Rạng sáng 7-5-1969, phát huy truyền thống “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” ở Điện Biên năm xưa và mừng sinh nhật Bác, một khẩu đội pháo 122 li gồm 7 cán bộ, chiến sĩ (2 trinh sát viên và 5 pháo thủ) và 9 viên đạn, được bố trí bất ngờ ở cạnh Quốc lộ 1, cách Cầu Trắng 200 m (dưới chân đèo Hải Vân), nhằm bắn vào quân cảng Sơn Trà. Xác định đây là trận đánh quyết tử, đơn vị đã làm lễ truy điệu sống, quàng khăn đỏ cho chiến sĩ trước trận đánh. 5 giờ sáng, quân cảng Sơn Trà bị pháo kích dữ dội, Mỹ-ngụy không kịp trở tay. Tư tưởng quân Mỹ hoang mang: không nơi nào tại miền Nam Việt Nam là an toàn với lính Mỹ. Nhiệm vụ hoàn thành, khẩu đội rút về hậu cứ an toàn. 4 ngày sau, ngày 11-5, Đại đội 10 thuộc Tiểu đoàn 1 bắn thao tác bệ 20 viên đạn vào khu đồn trú của giặc lái và nhân viên kỹ thuật; Đại đội 12 thuộc Tiểu đoàn 2 bắn vào khu để máy bay và kho pháo đạn, kho bom, kho xăng dầu của địch ở sân bay Đà Nẵng, gây cháy, nổ dữ dội nhiều giờ và thiệt hại nhiều sinh lực địch. 20 giờ ngày 13-5, 16 khẩu 122 ly và 140 ly của 4 đại đội thuộc 2 Tiểu đoàn nói trên tiếp tục pháo kích vào sân bay Đà Nẵng, tổng kho hậu cần Bầu Mạc, bãi đỗ xe quân sự Cẩm Bình, sư đoàn 3 của Mỹ ở cứ điểm Xùng Mây, dưới chân núi Phước Tường. Bị trúng đạn pháo kích, một kho bom nổ dữ dội trong nhiều giờ; một kho xăng bốc cháy cột khói bốc cao cả trăm mét, phải 2 ngày mới dập tắt được; cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng của địch ở kho hậu cần Bầu Mạc bị cháy, thiệt hại nặng; phá hủy 200 xe quân sự các loại tại bãi đỗ xe quân sự Cẩm Bình...

Quả là chiến công đặc biệt xuất sắc của những người lính pháo binh Trung đoàn 575 mừng sinh nhật Bác. Nhưng không ai ngờ đây là sinh nhật cuối cùng của Bác và mãi đến 42 năm sau, khi chúng tôi đi tìm cùng trang sách ghi lời Bác vui với tin chiến công của đơn vị, những người cựu chiến binh Trung đoàn pháo binh 575 xúc động nghẹn ngào khi biết mình có một chiến công đặc biệt mừng Bác sinh nhật cuối cùng, làm Bác vui và khoe tin chiến thắng: “Đêm 13, rạng ngày 14-5, quân giải phóng lại bắn súng lớn vào sân bay Đà Nẵng, gây nhiều đám cháy và tiếng nổ dữ dội làm chấn động cả một vùng. Đây là lần thứ 3, kể từ đêm 11-5, sân bay Đà Nẵng bị pháo binh quân giải phóng bắn phá”. 

Mười năm chiến đấu trong lòng dân Quảng Đà, Đoàn Pháo binh 575 đã đánh hơn 500 trận, tiêu diệt 6.000 tên địch, phá hủy 780 máy bay, 1.000 xe quân sự, 200 khẩu pháo các loại, thiêu hủy 50 triệu lít xăng dầu và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ, ngụy... Để ghi nhớ công lao và tôn vinh chiến công của Đoàn Pháo binh 575-Mặt trận 44 Quảng Đà anh hùng năm xưa, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành và Huyện ủy, UBND H. Hòa Vang giúp đỡ xây dựng Đài Kỷ niệm Chiến thắng Đoàn Pháo binh 575 và Nhà Bia tưởng niệm các liệt sĩ tọa lạc ở thôn Dương Lâm 1, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang.

Nam Trân