Chiến sĩ đỏ tình nguyện
Mô hình dân vận khéo “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” của Công an huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, kịp thời cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch, cần nhóm máu hiếm. Từ 77 thành viên ban đầu trong lực lượng Công an, đến nay đã phát triển lên gần 300 thành viên, với sự tham gia của đông đảo công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.
Với 27 lần tham gia hiến máu, trong đó có 17 lần hiến tiểu cầu cứu người, Đại úy Đinh Văn Giáp, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Krông Nô là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương. Tham gia từ những ngày đầu thành lập mô hình “Chiến sỹ đỏ tình nguyện” của Công an huyện Krông Nô, cứ mỗi lần có yêu cầu của người bệnh, Đại úy Đinh Văn Giáp đã không quản ngại khó khăn, dù đó là ngày hay đêm, mưa hay nắng đều vượt chặng đường hàng chục km đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) hiến tiểu cầu, kịp thời cứu người bệnh vượt qua cơn nguy kịch.
Đại úy Đinh Văn Giáp tâm sự hiến máu, hiến tiểu cầu cứu người cũng là một phần trong nhiệm vụ bảo vệ nhân dân và thể hiện tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”. Vì vậy, ngoài việc tích cực tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu, anh còn “truyền lửa” cho đồng đội, bạn bè, người thân, từ đó đã góp phần lan tỏa rộng khắp phong trào “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” trên địa bàn huyện Krông Nô.
Mô hình dân vận khéo “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” của Công an huyện Krông Nô được thành lập và ra mắt vào ngày 7-4-2023, không chỉ thu hút cán bộ, chiến sĩ Công an mà còn quy tụ hàng trăm công nhân viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó có 2 thành viên có nhóm máu hiếm. Mỗi khi nhận được cuộc gọi, thông tin cần hỗ trợ từ bệnh viện và gia đình các nạn nhân trong diện nguy kịch, các thành viên tham gia mô hình đã không quản ngại khó khăn đêm tối hay nắng, mưa lập tức lên đường hiến máu, hiến tiểu cầu cứu người. Đơn cử, ngày 27-2-2024, sau khi tiếp nhận thông tin từ ban chỉ đạo mô hình về việc có một số bệnh nhân nhi đang sinh sống tại huyện Krông Nô bị bệnh về máu đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và cần truyền máu nhóm hiếm, ngay lập tức, 3 cán bộ, chiến sĩ tham gia mô hình “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” gồm Trung tá Y Cảnh Niê - Trưởng Công an xã Đắk Sôr; Đại úy Y Nguyên Bu Tông- cán bộ Công an xã Quảng Phú và Thượng úy HHà Niê- cán bộ Công an thị trấn Đắk Mâm từ 2 nơi tách biệt tức tốc vượt chặng đường 60km kịp thời có mặt tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiến máu cứu 3 bệnh nhân nhi qua cơn nguy kịch.
Theo Đại úy Phạm Văn Sự - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Krông Nô, những giọt máu hiến tặng không chỉ là tình cảm, là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Krông Nô nói chung và của các thành viên tham gia mô hình “Chiến sỹ đỏ tình nguyện” nói riêng đối với cộng đồng xã hội. Qua đó góp phần xây dựng, lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an Đắk Nông tận tụy, thân thiện, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
“Chúng tôi đánh giá cao việc Công an huyện Krông Nô thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình “Chiến sỹ đỏ tình nguyện”. Đặc biệt là mô hình đã huy động số lượng đông cán bộ, chiến sĩ Công an và công chức, viên chức, nhân dân cùng tham gia giúp đỡ các bệnh nhân có nhóm máu hiếm hoặc các bệnh nhân nguy cấp cần lượng máu lớn. Qua đó thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, nhất là các thành viên tham gia mô hình đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng”, ông Nguyễn Trọng Tình - Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ huyện Krông Nô nhấn mạnh.
Thượng tá Đỗ Hữu Huy - Phó trưởng Công an huyện Krông Nô cho biết thêm: “Từ khi hoạt động đến nay, ban chỉ đạo mô hình “Chiến sỹ đỏ tình nguyện” của Công an huyện Krông Nô đã triển khai hàng chục đợt hiến máu, hiến tiểu cầu trong trường hợp khẩn cấp giúp nhiều trường hợp qua cơn nguy kịch. Qua đó người dân trong và ngoài tỉnh đã gửi hàng chục lá thư cảm ơn bày tỏ lòng cảm phụ. Mục tiêu trong thời gian tới sẽ thu hút thêm nhiều thành viên tham gia và xây dựng thành một mô hình rộng khắp, có sức lan tỏa, trở thành một “ngân hàng máu di động” sẵn sàng tham gia mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, góp phần cứu sống người bệnh, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, vì nhân dân phục vụ”.
Hồng Long – Bá Hiển