Chiến sự Israel- Hamas: Tác động chính trị đối với Mỹ như thế nào?

Thứ bảy, 16/12/2023 10:07
Xung đột Israel - Hamas đã gây ra thiệt hại khủng khiếp về người. Nhưng nó cũng gây ra những ảnh hưởng chính trị không lường trước được ở Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Tel Aviv ngày 14-12. Ảnh: AFP
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Tel Aviv ngày 14-12. Ảnh: AFP

Ông Biden thay đổi thái độ với Israel

Sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel hôm 7-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden là người ủng hộ Israel mạnh mẽ. Nhưng hơn 2 tháng, sau những ngày Israel thực hiện cuộc tấn công vào Gaza khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng, căng thẳng chưa từng có đang gia tăng giữa Nhà Trắng và chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 7-10, tổng cộng có hơn 18.787 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, giới chức Israel xác nhận khoảng 1.200 người đã thiệt mạng tại nước này. Thương vong không ngừng đối với người Palestine cũng đang làm tăng cái giá chính trị mà ông Biden phải chịu ở trong nước cho việc ủng hộ Israel - đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tiếp thêm sinh lực cho liên minh chính trị của ông trước cuộc bầu cử năm 2024.

Theo CNN, Tổng thống Biden đã sử dụng ngôn ngữ cực kỳ thẳng thắn khi nói với Israel. Ông đã cáo buộc Israel thực hiện vụ đánh bom "bừa bãi" trong một sự kiện chính trị không được công bố trên truyền thông trong tuần này. Lời chỉ trích mới của Tổng thống Biden cho thấy sự kiên nhẫn ngày càng giảm sút của ông với Israel. Trong buổi gây quỹ không được truyền hình, ông Biden cảnh báo rằng Israel đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì "các vụ đánh bom bừa bãi đang diễn ra". Tiếp tục thẳng thắn đến mức đáng kinh ngạc trong những sự kiện như vậy, Tổng thống Biden cũng nói rằng chính phủ liên minh cánh hữu của Israel đang "làm cho mọi việc trở nên rất khó khăn", đồng thời lưu ý: "Chúng tôi phải đảm bảo rằng ông Netanyahu hiểu rằng Israel phải thực hiện một số động thái". Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ hy vọng Israel sẽ tập trung vào cách thức bảo vệ dân thường. Trước đó, ông cũng cảnh báo Israel đang bắt đầu đánh mất sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, sau các vụ tấn công vào Gaza gây nhiều thương vong.

Mỹ và Israel cũng thể hiện quan điểm khác biệt về những gì xảy ra với Gaza ngay sau xung đột kết thúc. Trong khi Mỹ có xu hướng ủng hộ giải pháp hai nhà nước, Israel cho rằng họ muốn triển khai một vùng đệm để có thể đảm bảo an ninh cho chính mình.

Ảnh hưởng hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế

Xung đột Israel - Hamas đã gây ra một làn sóng mới của chủ nghĩa bài Do Thái và phơi bày sự mập mờ về sự phân biệt đối xử đối với người Do Thái, bao gồm cả một số người cấp tiến và trong các trường đại học tự do của Mỹ. Đã có sự tức giận trước sự thương vong khủng khiếp ở Gaza giữa các cử tri người Mỹ gốc Arab, một nhóm quan trọng đối với Đảng Dân chủ ở một số bang chiến địa quan trọng như Michigan, nơi số phiếu bầu của ông Biden đang bị ảnh hưởng.

Và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ hiện có nguy cơ bị ảnh hưởng vì sự hỗ trợ của nước này dành cho Israel. Nếu tiếp tục ủng hộ Israel, Mỹ có thể bị xa lánh bởi các nước bạn bè và đối tác theo cách có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các mục tiêu an ninh quốc gia rộng lớn hơn hay không.

Trong một động thái cực kỳ mang tính biểu tượng hôm 12/12, ba đồng minh thân cận nhất của Mỹ - Canada, Australia và New Zealand - đã đoạn tuyệt với Washington để hối thúc những nỗ lực khẩn cấp nhằm đồng ý ngừng bắn ở Gaza. Các thủ tướng của ba nước cho biết: "Cái giá để đánh bại Hamas không thể là sự đau khổ liên tục của tất cả người dân Palestine".

Vấn đề này hiện đã gây ra sự chia rẽ hiếm hoi trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo "Five Eyes", bao gồm cả Mỹ và Anh. Và ngay cả Anh, quốc gia đảm bảo chính sách đối ngoại của mình hầu như luôn đứng về phía Mỹ, cũng đang phòng ngừa các tổn hại của mình, sau khi bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn mà Mỹ phủ quyết.

AN BÌNH

Mỹ hối thúc Israel giảm quy mô chiến dịch quân sự

Hôm 14-12, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc thu hẹp quy mô các hoạt động cường độ cao của Israel tại Gaza.

Dẫn lời các quan chức y tế Palestine, hãng tin Reuters (Anh) cho rằng nỗ lực tập trung thay đổi chiến lược là động thái mới nhất trong chiến dịch gây áp lực kéo dài nhiều tuần từ Washington, nhằm hành động quyết liệt hơn để bảo vệ 2,3 triệu người ở Gaza.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh Channel 12 của Israel, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan nói rằng ông đã có những cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Thủ tướng Netanyahu về việc Israel nên chuyển sang giai đoạn hoạt động chính xác và có mục tiêu hơn. Tuy nhiên, vị quan chức này từ chối cung cấp thông tin chi tiết và mốc thời gian cho sự thay đổi chiến lược này.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cũng nói rằng ông Sullivan đã thảo luận về khả năng chuyển hướng sang các hoạt động cường độ thấp hơn trong tương lai gần, nhưng từ chối cung cấp thời gian biểu cụ thể. Quan chức Mỹ giấu tên nhận định sự thay đổi này có thể bao gồm chuyển đổi trọng tâm từ các hoạt động rà phá cường độ cao sang cường độ thấp hơn và tập trung vào các mục tiêu có giá trị cao, với nhiều cuộc tấn công dựa trên thông tin tình báo hơn và nhiều mục tiêu quân sự hẹp, phức tạp hơn.