Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2022: Bám sát tình hình để ứng phó kịp thời

Thứ tư, 07/09/2022 11:09
Ngày 6-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2022. Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Văn Thành các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng tham dự phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp.

Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2022; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong tháng 8, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và xuất hiện thêm các yếu tố, động thái mới. Ở trong nước, cùng với nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt rất nhiều nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời bám sát tình hình thực tiễn, biến động nhanh trên thế giới, có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm; xử lý nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài.

“Trong 8 tháng năm 2022, Chính phủ tổ chức hơn 600 cuộc họp để chỉ đạo, điều hành, bàn giải pháp, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng cho biết.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đại dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát trên toàn quốc; kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo 5 cân đối lớn; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành; khởi sự doanh nghiệp tiếp tục nở rộ; các loại thị trường phát triển ổn định; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ trên GDP giảm…

"Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, kết quả đạt được trong tháng 8 và 8 tháng rất đáng mừng; nhiều chỉ số kinh tế - xã hội rất tích cực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh. Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam", Thủ tướng chỉ rõ.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn vẫn chịu sức ép lớn, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro; việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn chậm; sản xuất công nghiệp một số ngành còn khó khăn; thu hút FDI mới gặp khó khăn, chưa đạt kỳ vọng; đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; dịch bệnh vẫn nguy cơ diễn biến phức tạp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tai nạn giao thông còn tiềm ẩn...

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ và phân tích, nhận định tình hình, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các nhiệm vụ, công việc của tháng 9-2022 và thời gian tới là rất lớn; yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản.

Các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, tổng thể, toàn diện và hiệu quả các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; bám sát tình hình để ứng phó kịp thời.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tập trung thực hiện tốt 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh,1 tiết giảm và 1 kiên quyết không, gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ thảo luận 12 nhiệm vụ giải pháp và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Phạm Tiếp

Giải ngân 55.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, những khó khăn, thách thức phải đối mặt rất lớn, song nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Đến nay, đã giải ngân 55.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi và phát triển. Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26-8-2022 là 34.970 tỷ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6-2022 là 7,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế.

Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31-8 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỷ đồng.