Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ hai, 04/03/2024 06:45
Ngày 3-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiêu biểu toàn quốc, phát động phong trào thi đua triển khai nhiệm vụ năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 DNNN, trong đó gồm 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Đến đầu năm 2023, tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu đạt 1,8 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các DNNN gần 1,7 triệu tỷ đồng. Tổng hợp số liệu của 605/676 DNNN, ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN năm 2023 cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng doanh thu của các DNNN năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng…

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích tình hình, đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới: tháo gỡ khó khăn trong quản lý DN; có cơ chế linh hoạt hơn để huy động các nguồn lực; tạo điều kiện cho các DN phát triển; hỗ trợ các DN áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, sản xuất, kinh doanh…

Sau khi các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của DN, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn luôn đồng hành bên cạnh DN, bất kể là DN tư nhân hay DNNN để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp…

Nêu các yếu tố nền tảng phát triển đất nước, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế; DNNN là nòng cốt trong phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém của DNNN trong quản lý, điều hành; hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để khắc phục, đưa ra giải pháp để vượt qua, với yêu cầu phải nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái bằng tất cả tư duy, kinh nghiệm sẵn có cộng với kinh nghiệm của thế giới, chủ động hơn nữa đề ra những cách làm mới để tăng tốc và vượt lên.

Để tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-TTg về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN và các chỉ đạo, kết luận khác có liên quan. Theo đó, DNNN đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư phát triển; triển khai có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng, chiến lược; ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả; nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, phải là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trong các ngành, lĩnh vực mới nổi; thực hiện đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy liên kết, tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan đại diện chủ sở hữu tích cực, chủ động và trách nhiệm, phối hợp có hiệu quả, tạo điều kiện, cơ hội cho DN tiến cùng. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN phát triển; đóng góp vào việc xây dựng thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế giám sát để bảo đảm hoạt động lành mạnh; khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

N.T