Chính phủ tiếp tục gỡ vướng về tín dụng

Thứ sáu, 08/12/2023 06:49
Ngày 7-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30-11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 918,6 nghìn tỷ đồng; ngành công nghiệp và xây dựng đạt hơn 3,32 triệu tỷ đồng, tăng 7,31%; ngành dịch vụ đạt gần 8,6 triệu tỷ đồng, tăng 7,9%.

Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng còn thấp trong khi dư địa mở rộng tín dụng còn rất lớn; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế còn khó khăn; hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế gặp khó khăn; còn những vướng mắc trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Do đó, các đại biểu trao đổi, đề xuất các giải pháp, nhất là tháo gỡ khó khăn về pháp lý, lãi suất, tài sản đảm bảo, cơ cấu nợ, hạn mức vốn vay… để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước tác động tiêu cực kép do tác động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại, song tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đối với các tổ chức tín dụng, ngành Ngân hàng, tín dụng cho vay trung hạn, dài hạn, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tác động hoạt động kinh doanh đang còn tiếp tục khó khăn; tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều; doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn; các vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo còn khó khăn...

Đến hết tháng 11, dư nợ tín dụng mới tăng chưa đến 9%, cùng kỳ tăng 12% và chỉ tiêu cho cả năm 2023 là khoảng 14%; dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700 nghìn tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120 nghìn tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chủ thể liên quan từ Chính phủ, các bộ, ngành, ngành Ngân hàng, người dân, doanh nghiệp phải vào cuộc, chung tay, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, doanh nghiệp, sự nghiệp phát triển kinh tế, tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn, hành động phải quản lý thị trường nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng khẳng định, không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; đẩy mạnh chính sách tài khoá liên quan vốn, phí, lệ phí, đầu tư công, các hoạt động khác để hỗ trợ chính sách tiền tệ; kịp thời xử lý những vướng mắc từ thực tiễn, cơ chế, chính sách ban hành để tháo gỡ khó khăn nhưng chưa đi vào cuộc sống; đẩy mạnh các công cụ liên quan thị trường, giảm bớt, tiến tới loại bỏ công cụ hành chính; đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, giảm giá để thúc đẩy thị trường…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực, quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Phạm Tiếp