Chủ động, duy trì hiệu quả công tác cai nghiện ma túy sau tiếp nhận
Ngay sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSMT) Công an tỉnh Bình Định đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ mới với tinh thần chủ động, không để gián đoạn, bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Ngày 27-2-2025, Công an tỉnh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định tổ chức Lễ ký kết bàn giao chức năng quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo đó, Phòng CSMT Công an tỉnh Bình Định được giao tiếp quản, tổ chức thực hiện toàn diện các nội dung liên quan đến Cơ sở cai nghiện.
Trên tinh thần chủ động, Phòng CSMT kiện toàn tổ chức, phân công lực lượng thành 3 Tổ công tác, đồng thời bố trí 1 Tổ Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, bảo đảm trực 24/24h. Trong đó, đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh đến việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Cơ sở cai nghiện trong suốt quá trình tiếp quản, vận hành.
Song song đó, các nhiệm vụ chuyên môn như phân loại đối tượng, hỗ trợ giải độc - cắt cơn, tổ chức lao động trị liệu, học nghề giáo dục và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người cai nghiện cũng được triển khai đồng bộ, liên tục. Qua đó, bước đầu bảo đảm tính ổn định, hiệu quả trong công tác quản lý, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Trung tá Phan Thanh Viên- Trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Định cho biết: "Ngay từ đầu, quan điểm của chúng tôi là xây dựng một môi trường nghiêm túc, có tổ chức, kỷ luật từ giờ giấc sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi đến công tác giáo dục, lao động trị liệu, chuẩn bị tái hòa nhập. Người cai nghiện ma túy phải được đặt trong một guồng sống lành mạnh, ổn định thì mới từng bước thay đổi được thói quen, hành vi lệch chuẩn".
Quả thật, khác với hình dung của phóng viên, không khí ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Định hiện nay khá nề nếp và trật tự. Người cai nghiện ma túy thức dậy lúc 5 giờ sáng, tập thể dục, ăn sáng, sau đó sinh hoạt theo lịch. Cụ thể, học nội quy, học pháp luật, kỹ năng sống, tham gia chăm sóc vườn rau, nấu ăn, làm sạch cảnh quan, làm nghề cơ khí, xây dựng…

Đặc biệt, mỗi sáng thứ hai hàng tuần, toàn cơ sở tổ chức chào cờ, hát Quốc ca. Nghi thức tưởng như đơn giản này lại có tác động tâm lý tích cực, giúp người cai nghiện ý thức trách nhiệm và hy vọng được làm lại từ đầu. Như chia sẻ của anh N.T.H (1987, trú TP Quy Nhơn) có hơn 8 tháng cai nghiện bắt buộc tại đây: "Tôi từng rất tự ti, bất mãn, nhưng ở đây, tôi được sinh hoạt đúng giờ, được học kỹ năng, được cán bộ quan tâm, nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc và tôi thật sự muốn làm lại vì không thể để gia đình thất vọng, khổ vì tôi thêm nữa".
Trong khi đó, chị Đ.K.Q (2007. trú thị xã An Nhơn) từng vì cú sốc tâm lý mà tìm đến ma túy và sau 2 tháng cai nghiện bắt buộc tại đây đã bắt đầu tạo cho bản thân một thói quen sinh hoạt khoa học. "Ở đây, em được ngủ đúng giờ, ăn uống điều độ, tập thể dục và tham gia công việc nhẹ. Em thấy mình khỏe hơn tăng đến 7kg, suy nghĩ rõ ràng và trách nhiệm hơn. Em phải thay đổi, phải làm lại vì còn mẹ và con nhỏ đang đợi ở nhà", Q. chia sẻ.
Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bình Định đang quản lý, điều trị cho khoảng 100 người gồm cả người cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến 40 và sinh sống trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự chủ động và vận hành chặt chẽ, tình hình an ninh, trật tự tại cơ sở luôn được giữ vững, không xảy ra tình trạng tụ tập gây rối, trốn tránh hay chống đối.
Để đạt được sự ổn định này, Phòng CSMT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, việc phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách cụ thể, phân công trực đầy đủ theo ca, kiểm tra nghiêm ngặt việc chấp hành nội quy, đồng thời thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên để kịp thời định hướng, tư vấn tâm lý. Các nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện thể chất, thực hành vệ sinh cá nhân, sinh hoạt theo giờ giấc nề nếp được tổ chức thường xuyên nhằm khơi dậy ý thức kỷ luật, từng bước thay đổi thói quen, nếp nghĩ lệch lạc.
Không chỉ chú trọng khía cạnh quản lý, Cơ sở còn duy trì khám sức khỏe định kỳ, điều trị bằng thuốc và áp dụng liệu pháp tâm lý phù hợp với từng trường hợp, giúp người cai nghiện phục hồi toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. "Chúng tôi xác định đây không phải nơi "giam giữ", mà là môi trường trị liệu, phục hồi, để người nghiện có cơ hội làm lại cuộc đời", Thượng tá Đặng Thanh Lộc- Trưởng Phòng CSMT Công an tỉnh Bình Định chia sẻ.
Đáng chú ý, số lượng học viên tự nguyện ngày càng tăng như trường hợp của V.H.B. (1998, trú huyện Hoài Ân) tự nguyện vào Cơ sở sau hơn 4 năm nghiện, sức khỏe suy giảm, tinh thần sa sút: "Vào đây tôi thấy khác hẳn. Có cán bộ hướng dẫn, có giờ giấc cụ thể, tôi cảm thấy mình thay đổi tích cực hơn. Bố mẹ thấy vậy cũng mừng, đó là động lực để tôi cố gắng không quay lại vết xe cũ".
Có thể nói, việc chuyển giao công tác quản lý cơ sở cai nghiện cho lực lượng Công an đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy. Nhờ trực tiếp tiếp xúc, theo dõi quá trình cai nghiện, cơ quan chức năng có điều kiện nhận diện rõ nguyên nhân dẫn đến nghiện, mối liên hệ với các đường dây ma túy, từ đó có cơ sở tham mưu giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm giảm nguồn cầu, giảm người nghiện trong cộng đồng.
M.N