Chu Huy Mân, Đại tướng "gánh cả hai vai"

Thứ tư, 15/03/2023 09:00
Là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, Đại tướng Chu Huy Mân đã có nhiều đóng góp lớn lao trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ông được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ gánh vác cả hai vai: chỉ huy quân sự kiêm công tác chính trị. Từ đó, “Hai Mạnh” là bí danh mà đồng đội nói về Đại tướng Chu Huy Mân.
Ông Chu Huy Biên – cháu ruột của Đại tướng Chu Huy Mân kể về chú ruột của mình.
Hình ảnh Đại tướng Chu Huy Mân – vị tướng “Hai Mạnh”

Sớm giác ngộ cách mạng

Ông Chu Huy Biên, cháu ruột của Đại tướng Chu Huy Mân chia sẻ: Đại tướng đã dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước, hy sinh tình riêng để tận hiến với Đảng, với nhân dân. “Chú tôi luôn dặn con cháu phải tự nỗ lực, học hỏi không ngừng để tiến lên, đừng trông mong việc ông sẽ nâng đỡ, bởi cả cuộc đời ông là dành cho Đất nước" – ông Biên nói.

Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều sinh ngày 17 tháng 3 năm 1913 trong một gia đình nông dân nghèo đông con, tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, TP Vinh). Cha mất sớm, mẹ phải tần tảo làm thuê cuốc mướn để nuôi các con. Vì đói nghèo, hàng năm cứ đến mùa nạp sưu, thuế, những người trong gia đình luôn bị bọn địa chủ và lý trưởng trong làng đánh đập, ức hiếp. Thù nhà, nợ nước chồng chất, Chu Văn Điều sớm nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 17 tuổi, Chu Văn Điều được đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản và tận hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Giữa năm 1929, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, các tổ chức quần chúng được thành lập như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ và Hội Tán trợ, xúc tiến thành lập Đông Dương Cộng sản đảng của Xứ ủy Trung Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, phong trào đấu tranh ở Nghệ An phát triển mạnh, chuyển dần từ tự phát lên tự giác. Là một thanh niên yêu nước, căm thù giặc, khi được cán bộ Đảng tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, Chu Văn Điều hăng hái làm liên lạc cho các tiền bối đi trước, vận động nông dân làng Yên Lưu gia nhập tổ chức Nông hội Đỏ và Hội tán trợ. Ngày 29-10-1929, Xứ ủy Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng đã lãnh đạo nông dân đấu tranh, Chu Văn Điều đã tham gia đấu tranh cùng 300 nông dân làng Yên Lưu đòi giảm sưu cao, thuế nặng. Nhân kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười Nga (7-11-1917- 7-11-1929) Chu Văn Điều đã vận động thanh niên trong làng đi rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm trên các cây cao, đình làng và nơi nhân dân họp chợ đông người. Truyền đơn, khẩu hiệu ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga được Chu Văn Điều mang đi rải có nội dung: “Đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến Nam triều”; “Công nhân làm việc 8 giờ, nông dân có ruộng cày”.

Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân, nơi trưng bày những hình ảnh tái hiện cuộc đời chiến đấu của Đại tướng.

Vị tướng tài ba “Hai Mạnh”

Từ thực tiễn đấu tranh, người thanh niên Chu Huy Mân sớm bộc lộ tố chất, bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng và tài năng quân sự thiên bẩm. Ông trở thành Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên lúc chỉ mới 23 tuổi. Ông tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chế độ phong kiến thực dân tại quê nhà. Trong thời gian này, ông đã đổi tên thành Chu Huy Mân.

Từ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Chu Huy Mân đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Từ năm 1937 đến năm 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Chu Huy Mân ở nhà lao Vinh rồi chuyển đến các nhà tù ở Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum.

Ông Chu Huy Biên – cháu ruột của Đại tướng Chu Huy Mân kể về chú ruột của mình.

Tháng 3-1943, Chu Huy Mân cùng Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục thành công và tham gia lãnh đạo phong trào cướp chính quyền tại tỉnh Quảng Nam. Trong thời kỳ chống Pháp, ông đã tham gia nhiều chiến trường, giữ nhiều chức trách quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở cương vị Chính ủy Sư đoàn 316, ông tham gia chỉ huy các trận đánh đồi A1, C1, C2, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu".

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao ông làm Trưởng Đoàn cố vấn chuyên gia sang giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1958, ông được phong hàm Thiếu tướng, được Đảng, quân đội và nhân dân Lào yêu mến gọi với cái tên Tướng Thao Chăn. Kết thúc nhiệm vụ ở nước bạn Lào, Thiếu tướng Mân được phân công làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Quân khu IV.

Sau khi hoàn thành chương trình học nâng cao trình độ lý luận và nghệ thuật quân sự tại Học viện Phowrunde, Liên Xô, năm 1963, Thiếu tướng Chu Huy Mân được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu V đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Tháng 9-1965, là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên, Thiếu tướng Chu Huy Mân quyết định mở chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta tiêu diệt hoàn toàn một đơn vị cấp tiểu đoàn lính Mỹ và buộc Mỹ phải thừa nhận đây là "một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh". Ông được Bác Hồ tin tưởng và giao nhiệm vụ gánh vác cả hai nhiệm vụ: chỉ huy quân sự kiêm công tác chính trị. Trong một lần báo cáo tình hình ở chiến trường khu 5, Bác Hồ đã động viên: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe”. Từ đó Bộ đội Tây Nguyên thường gọi ông với bí danh thân thương “Anh Hai Mạnh”.

Để giải quyết bớt khó khăn về lương thực cho bộ đội và nhân dân ở chiến trường, Thiếu tướng Chu Huy Mân có sáng kiến tổ chức bộ đội trồng khoai, sắn, rau, chuối ở nơi đóng quân để chủ động lương thực, thực phẩm, nếu không sử dụng đến thì để lại cho những đơn vị đến sau.

Thiếu tướng Chu Huy Mân được thăng quân hàm vượt cấp lên Thượng tướng năm 1974 và phong quân hàm Đại tướng năm 1980. Đại tướng Chu Huy Mân mất vào ngày 1-7-2006 ở tuổi 93.

Với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, chiến đấu, hy sinh trọn đời cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, Đại tướng Chu Huy Mân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân Chương Quân công hạng Nhất; Huân Chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu Xô viết Nghệ Tĩnh; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Dương Hóa

Hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân (17-3-1913-17-3-2023), những ngày này, công tác chuẩn bị tại Nhà tưởng niệm Đại tướng đang gấp rút hoàn thành. Tại đây, những hình ảnh quý, tái hiện cuộc đời chiến đấu anh dũng, vẻ vang của Đại tướng Chu Huy Mân được trưng bày trang trọng. Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân được xây dựng ngay tại quê hương ông, tại xã Hưng Hòa, TP Vinh (Nghệ An).